Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Thời gian qua, việc tranh luận chuyện dạy thêm, học thêm đang là chủ đề rất nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề nên hay không nên? Cá nhân tôi không bàn về việc đúng, sai. Tuy nhiên có một câu chuyện tôi muốn kể ra đây để chúng ta cùng suy ngẫm.

Con gái tôi đang học lớp 5 (bán trú) ở một trường tiểu học cơ sở. Cuối tuần rồi khi rước cháu đi học về, thấy vẻ mặt của con khá bực bội, tò mò nên tôi hỏi: Có chuyện gì làm con khó chịu vậy?

Cháu kể trong buổi học hôm nay, thầy Hiệu trưởng và cô Hiệu phó bất ngờ xuống lớp con để hỏi thăm chuyện học tập, chuyện sinh hoạt, ăn uống… Trong lúc trò chuyện cô Hiệu phó hỏi: Trong lớp mình, em nào có đi học thêm thì giơ tay?

Ngưng một lát, cháu tiếp:

Ba thấy tức không? Cả lớp ai cũng ngồi im, đột nhiên một bạn trai trong lớp con giơ tay lên, tức thì nguyên cả lớp ai cũng quay lại nhìn chằm chằm vào bạn ấy. Chợt nhớ ra, bạn con bèn rụt tay lại.

Cô Hiệu phó thấy vậy hỏi: Sao vậy con? Sao đưa tay lên rồi lại bỏ xuống? Bạn con ngập ngừng: Dạ… tại con bị ngứa ở tay! Thế là cả lớp cười rần lên. Lúc này thầy Hiệu trưởng nói: Vậy là tốt.

Cảm thấy có điều gì không ổn, tôi gặng hỏi: Bạn con có đi học thêm hay không? Cháu nhanh nhảu: Dạ có, bạn con học chung với con mà!

Tôi tiếp: Con học chung với bạn, sao con không đưa tay lên?

Với giọng điệu quan trọng cháu nói: Đâu có được ba, nhà trường cấm dạy thêm, các cô con dặn, nếu ai hỏi có đi học thêm hay không thì phải nói là không nhé.

Im lặng…

Vậy đó! Con tôi đã được dạy cách “nói tránh” nếu không muốn nói là “nói dối” ngay trên ghế nhà trường, nơi mà từ khi các em bước chân vào phải thuộc nằm lòng 5 điều Bác Hồ dạy, trong đó “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là một trong những đức tính đã trở thành tiêu chuẩn đạo đức của mỗi con người chúng ta. Buồn thay qua sự việc trên con tôi lại cho rằng mình và các bạn (tất nhiên là những bạn có đi học mà không giơ tay) vừa làm được một việc tốt. Còn cậu bạn kia, người đã có hành động dũng cảm giơ tay lên thì lại rất đáng chê trách.

Tất nhiên, không thể vì chuyện nhỏ vừa nêu mà đánh giá không tốt hệ thống giáo dục của nhà trường, cũng như quá trình hoàn thiện nhân cách của một con người. Điều đáng nói ở đây là việc tranh luận, nên hay không nên dạy thêm, học thêm là chuyện dài chưa có hồi kết. Trước khi tìm được giải pháp tối ưu nhất để dung hòa giữa “lương tâm nghề nghiệp” và “quyền lợi vật chất”, xin đừng bắt con trẻ phải làm trung gian cho sự mập mờ giữa quy định và người thực thi quy định bằng những lời nói, hành động không thật thà, không dũng cảm kiểu như trên.

Thiết nghĩ, bất cứ quyết sách, chủ trương nào của ngành giáo dục thì đối tượng thụ hưởng đầu tiên và trực tiếp chính là học sinh, là con em của chúng ta, đừng vì những tranh luận chưa rõ ràng của người lớn mà vô tình làm ảnh hưởng đến bản chất thật thà, tâm hồn vô tư, trong sáng, của các cháu.

Dạy thêm, học thêm. Nên hay không nên? Chung quy mục đích cuối cùng của ngành giáo dục là nhằm tạo ra môi trường học trong sáng, lành mạnh, ươm mầm trí tuệ, định hướng nhân cách, đạo đức cho thế hệ tương lai của đất nước.

Làm được điều đó, ngay từ bây giờ hãy để các em học, hiểu, thấm nhuần và áp dụng lời dạy của Bác “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Huy Xuân

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: