Sáng 17/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2016-2020.
Đề án đưa ra lộ trình đạt chuẩn đối với giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Năm 2016 là 45% giáo viên tiểu học, 55% giáo viên trung học cơ sở, 65% giáo viên THPT.
Từ năm 2017-2019, tỷ lệ đạt chuẩn mỗi năm tăng thêm 10% đối với giáo viên các bậc học. Mục tiêu năm 2020 đạt chuẩn 100% giáo viên các bậc học. Đối với giảng viên đại học, cao đẳng, đề án đưa ra lộ trình năm 2018 phải đạt chuẩn 100%.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc học và dạy ngoại ngữ trong giai đoạn trước chưa đạt hiệu quả cao, thể hiện rõ qua điểm thi THPT quốc gia. Trong hình là phổ điểm môn Tiếng Anh kỳ thi năm 2016. |
Kéo dài gần 4 tiếng, hội nghị nhận nhiều ý kiến góp ý cho đề án của các trường lẫn sở. Ông Nguyễn Minh Trí, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi chỉ ra bất cập dưới góc nhìn của địa phương, rằng đề án đưa ra lập luận tất cả giáo viên đều có đủ khả năng nâng chuẩn, đạt chuẩn. Cách tiếp cận như vậy đã khoa học chưa và có phù hợp với thực tế hay không?
Ông lấy dẫn chứng tỉnh Quảng Ngãi hiện có 80% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn nhưng chuẩn này có phản ánh đúng thực chất hay không thì là câu hỏi lớn. "Anh em vẫn đùa với nhau là Đạt chuẩn một cách chưa chuẩn. Nếu không thay đổi phù hợp thì đến năm 2020, chúng ta sẽ có một bản thành tích 100% giáo viên đạt chuẩn", ông nói. Khi đã xây dựng được chuẩn khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc rồi thì phải bảo vệ và được công nhận quốc tế, nếu không dễ rơi vào tình trạng "mình tự chấm điểm cho mình và chấm đạt chuẩn hết".
Ông kể, phụ huynh thường chất vấn rằng Con tôi học ngoại ngữ vậy có dùng được ngoại ngữ không?, câu hỏi tưởng dễ mà khó trả lời khiến nhiều cán bộ đào tạo, giáo viên phải né tránh.
PGS. TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu phó Đại học Hà Nội cho rằng đầu tư người dạy là đúng nhưng phải trúng, bởi không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình tham gia vào đổi mới. Ông chia giáo viên ra làm 3 nhóm: kịch liệt phản ứng với đổi mới, muốn đổi mới nhưng phải chờ đợi "cầm tay chỉ việc" và nhóm rất thích đổi mới. Ông đề xuất cần phân loại, không nhất thiết chọn 100% giáo viên để bồi dưỡng ngoại ngữ cho đạt chuẩn, mà hãy chọn nhóm thích đổi mới và giúp đỡ nhóm giáo viên muốn đổi mới nhưng chưa tìm ra cách.
Đối với học sinh, đề án cần tạo ra hứng thú bằng cách thiết kế chương trình phù hợp và trao cho họ những phương tiện thực sự cần. Các em muốn học tiếng Anh tốt mà cho thầy cô dạy yếu và chương trình không phù hợp với vùng miền, địa phương thì không công bằng. Công nghệ cũng cần đồng hành với đề án này.
Thí sinh làm bài thi môn Tiếng Anh tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy. |
Ông Vũ Văn Trà, Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng cho rằng, việc học và thi đang có khoảng cách và Việt Nam mới chỉ có kỳ thi THPT quốc gia để đánh giá toàn diện kiến thức của các em. Ông đề xuất lộ trình viết sách giáo khoa theo đề án mới phải có sự liên thông với việc đạt chuẩn 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc 12 năm phổ thông, học sinh phải thành thạo cả 4 kỹ năng trên, tránh tình trạng bằng này, chứng chỉ nọ nhưng gặp người nước ngoài hay đi hội thảo không nói được.
Hiện trong các trường chú trọng kỹ năng đọc và viết, nghe, nói ít. Trong khi đó, nghe và nói phải được đặt lên hàng đầu giống như đứa trẻ mới đến trường, học nghe, nói trước rồi mới đến đọc, viết."Chúng tôi chỉ đề xuất 6 chữ Dạy đến đâu, được đến đấy", ông nói.
Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Ban quản lý đề án cùng các trường và địa phương rà soát lại năng lực giáo viên dạy Ngoại ngữ tại các trường sư phạm, chuyên ngữ và cả các cấp xem đạt chuẩn chưa. Thống kê dữ liệu để lên kế hoạch bồi dưỡng, chậm nhất ngày 31/10 phải báo cáo về Bộ.
Các Sở Giáo dục xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên ngoại ngữ 2016-2020 gửi về Bộ trước ngày 31/12. Đồng thời, có kế hoạch mời giáo viên bản ngữ, tình nguyện viên dạy tiếng Anh về các trường. Mở rộng giao lưu với giáo viên, sinh viên nước ngoài, học tiếng gì phải tiếp cận với người nói tiếng đó.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng "dạy và học ngoại ngữ mà chưa chuẩn thì thà không dạy còn hơn". Ai chưa đạt thì có thể đào tạo lại, nếu yếu quá không đào tạo được thì phải cắt giảm để không ảnh hưởng đến nền tảng dạy và học ngoại ngữ. Việc bồi dưỡng tiến hành bằng phương thức online lẫn trực tiếp, thông qua đầu mối là trung tâm ngoại ngữ của các trường đại học, nguồn học liệu từ giáo trình uy tín của các trường hoặc của nước ngoài và có tổ chức khảo thí để đảm bảo chất lượng.
Ông Nhạ đánh giá, Đề án này là xương sống kiến tạo môi trường dạy, học ngoại ngữ chất lượng hơn, nếu không thay đổi từ bây giờ thì khó mà thực hiện. "Singapore mất gần 40 năm để thực hiện phổ cập toàn dân sử dụng được tiếng Anh. Chúng ta không thể nhanh vội trong vòng 5 năm,10 năm được mà phải làm dần dần, tránh đi nhanh nhưng không đúng hướng khiến dư luận bức xúc, vì giáo dục là phải tạo sự tin cậy và yên tâm khi đổi mới", ông nói.
6 nhiệm vụ của Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020: - Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3 tiểu học, 70% học sinh 6 THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. - Tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng và tới năm 2025 có 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. - Nâng cao ngoại ngữ trường chuyên và không chuyên. Đến năm 2018 – 2019, 100% các đại học triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Đến năm 2020: 70% sinh viên không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3). - Đổi mới dạy, học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra; đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. - Nâng cao ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Phấn đấu vào năm 2020: 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 60% và 40% . - Tiếp tục dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân. |
Hoàng Phương