Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Học thêm, dạy thêm ở TP HCM không cần giải thích thêm và bàn luận thêm vì những ngày qua, các bài báo cùng những bình luận, tranh luận về vấn đề này đã căng thẳng đến mức có thể. Nghiêm cấm hay không quyết định cuối cùng ở người lãnh đạo. Chúng ta cần tôn trọng quyết định đó vì đây là quyết định của người đại diện cho nhân dân, do chính chúng ta tín nhiệm bầu ra.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ cá nhân, tôi hy vọng lãnh đạo thành phố cần có suy nghĩ thêm về vấn đề này và có những lời giải thích cặn kẽ về quyết định của mình để mọi người hiểu thông suốt vấn đề và cảm thấy hài lòng khi quyết định được thực thi.

Đọc qua các bài báo, cá nhân tôi luôn trăn trở bởi những câu hỏi sau:

Câu hỏi thứ nhất: Có phải tất cả học sinh đi học thêm đều bị giáo viên ép? Và tất cả giáo viên dạy thêm đều là người làm việc xấu hay sao mà gọi là vấn nạn? (Nếu câu trả lời là phải thì không còn gì bàn cãi. Chúng ta không cần nói gì thêm).

Câu hỏi thứ hai: Những trường hợp học sinh trường này tìm đến giáo viên trường khác học thêm, thế thì bị ép ở chỗ nào? Nếu học sinh có nhu cầu học thêm, được kèm học, giáo viên không dạy thì các em sẽ đi học ở đâu? Gia sư? Trung tâm?

Câu hỏi thứ ba: Nếu có nhu cầu, các em học gia sư, học trung tâm, vậy thì việc dạy gia sư, dạy ở trung tâm không dạy thêm thì chẳng lẽ “dạy bớt” hay sao? Các hình thức dạy này có gì khác nhau mà cái thì cấm, cái thì được phép?

Câu hỏi thứ tư: Nếu giáo viên không được dạy thêm mà được kèm 1-2 học sinh thì việc kèm 1-2 học sinh khác gì với kèm 7-8 học sinh về bản chất (chứ không bàn về số lượng)?

Câu hỏi thứ năm: Nếu giáo viên không được dạy thêm, mà được đăng ký dạy ở trung tâm, có phải chăng điều này đồng nghĩa với việc giáo viên không được làm chủ lớp học mà cả đời chỉ có thể đi làm thuê cho các trung tâm để kiếm thêm thu nhập?

Câu hỏi thứ sáu: Mọi người thường bảo trường quốc tế không dạy thêm mà giáo viên vẫn dạy, chất lượng vẫn tốt dù học phí cao và phụ huynh vẫn cho con vào học, thì tại sao trường công lập lại dạy thêm. Thế nhưng mọi người có biết sự khác biệt trong cách trả lương và tổ chức lớp dạy, điều kiện cơ sở vật chất giữa trường quốc tế và trường công lập như thế nào không?

Câu hỏi thứ bảy: Bỏ công học tập, trau dồi, giáo viên nhận lương thua người làm công, mức lương ấy có đủ nuôi sống bản thân hay không? (Không nói đến việc chăm lo gia đình).

Câu hỏi thứ tám: Để tồn tại, con người phải mưu sinh. Mọi người muốn thấy giáo viên tan trường, về nhà người đi may vá, kẻ bán hàng… hay một giáo viên dạy thêm chân chính, theo nhu cầu của học sinh và gia đình? (Tôi không đề cập đến những người kinh doanh bắt ép học sinh học thêm).

Câu hỏi thứ chín: Không những đi dạy, giáo viên phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao tay nghề, một chứng chỉ B1 cũng gần 9 triệu đồng, gấp 3 lần lương tháng của giáo viên? Vậy thì theo mọi người, giáo viên có nên hít khí trời mà sống trong 3 tháng để có bằng tiếng Anh đạt chuẩn quy định hay không? Một tháng vài ba triệu, nào là quỹ tương trợ ngành, nào là ủng hộ thiên tai, nào là công đoàn phí… giáo viên còn lại bao nhiêu cho mình?

Câu hỏi thứ mười: Cấm dạy thêm sẽ thay đổi được những gì ở lĩnh vực giáo dục?

Mười câu hỏi trên là tất cả những gì mà tôi mong mỏi có câu trả lời thỏa đáng. Còn về việc chấp hành quyết định, chúng tôi, những người giáo viên chân chính sẽ chấp hành. Bởi lẽ, chúng tôi là thầy, là cô, không thể nào biết luật mà phạm luật. Là giáo viên hay không là giáo viên, chúng tôi cũng là con người, cũng biết thế nào là liêm sỉ. Đã chọn nghề, chúng tôi chấp nhận. Chúng tôi thà để học sinh hay mọi người thấy một giáo viên chật vật trong cuộc sống mưu sinh còn hơn thấy một người thầy bị đuổi ra khỏi ngành!

Thanh Tuấn

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: