Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Tổ chức UNICEF ước tính, hiện có khoảng 30 triệu trẻ em trên toàn thế giới không đến trường do ảnh hưởng của chiến tranh, xung đột sắc tộc, biến đổi khí hậu... Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, nay là đặc phái viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề giáo dục cho rằng trẻ em Syria sẽ trở thành một thế hệ bị hủy hoại nếu không được đảm bảo việc học hành. 

Tổ chức Save the Children kêu gọi ngành công nghệ nghiên cứu ra các giải pháp cho trẻ em nghèo và nạn nhân của những cuộc khủng hoảng tị nạn, phát triển ứng dụng điện thoại thông minh như một công cụ học tập khẩn cấp. Hiện có hơn 80.000 ứng dụng giáo dục trong App Store của Apple.

giup-tre-ti-nan-hoc-qua-dien-thoai-thong-minh

Ảnh: AP.

Bà Janae Bushman - nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Aliim nhận xét, một chiếc điện thoại thông minh Android phổ thông có thể trở thành lớp học di động của trẻ em tị nạn, giúp các bé tiếp cận kiến thức bất kể nơi đâu. Tổ chức Aliim đang nghiên cứu phát triển ứng dụng giáo dục chuyên ngành có thể ra mắt vào tháng 8 tới. Phần mềm trên điện thoại thông minh này sẽ khắc phục những hạn chế, khó khăn về thiếu không gian lớp học, giao thông đến trường hay đội ngũ giáo viên.

Theo nghiên cứu của Aliim, 68% những người tị nạn Syria ở Lebanon có ít nhất một điện thoại thông minh trong gia đình mình. Với những ai chưa có smartphone, Aliim sẽ lên kế hoạch cung cấp. Hiện 80% số ứng dụng do Aliim thiết kế có thể làm việc offline, vì vậy ở những nơi kết nối Internet chập chờn sẽ không là vấn đề lớn. Tổ chức này cũng hy vọng nguồn năng lượng hoạt động sẽ giải quyết tốt qua những tấm pin mặt trời rẻ tiền được các hãng tặng.

"Chúng tôi đang tìm nhiều nguồn hỗ trợ từ các nhà thiết kế, lập trình viên tình nguyện, công ty công nghệ, hãng cố vấn... để thúc đẩy việc phát triển ứng dụng và đưa chúng vào thực tiễn", bà Janae Bushman chia sẻ.

Ban đầu ứng dụng chú trọng đến nền tảng cơ bản về đọc viết tiếng Ả Rập, làm toán và kỹ năng sống (bao gồm cả kinh doanh thương mại điện tử và tiếng Anh). Các em bé có thể học trực tuyến hoặc ngoại tuyến, tạo thành lớp học riêng biệt một người hay kết nối cả nhóm với nền tảng kiến thức từ điện toán đám mây.

Mùa hè này, tổ chức Aliim có kế hoạch đào tạo đội ngũ tình nguyện viên nói tiếng Ả Rập nhằm hỗ trợ từ xa trẻ em Syria sử dụng ứng dụng, chuẩn hóa chương trình học tập cũng như việc cấp chứng nhận vào cuối quá trình học tập.

Hướng đến các trẻ em lứa tuổi 12-16, dự kiến sẽ có 10.000 trẻ tị nạn Syriacung tiếp nhận kiến thức vào cuối năm 2017 thông qua các chương trình thí điểm tại Jordan (Amman và Irbid) và Lebanon (Beirut và Sidon). Cho đến nay, chương trình đã nhận được nhiều nguồn tài trợ và bà Bushman hy vọng những thành quả bước đầu sẽ chứng tỏ bước đi đúng đắn, thu hút nhiều mạnh thường quân tham gia hơn nữa.

"Tùy thuộc vào thành công của chương trình dành cho người tị nạn Syria, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình cho người tị nạn Nam Sudan hoặc Uganda. Do khác biệt về quốc gia, văn hóa, trình độ, ngôn ngữ, công nghệ... nên chương trình sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp", bà Bushman nói.

Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ World Vision và chính phủ Na Uy gần đây cũng mời các lập trình viên tham gia gửi ý tưởng cho ứng dụng giáo dục người tị nạn EduApp4Syria.

Ông Berger Brende - Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy cho biết hầu như tất cả hộ dân Syria đều sở hữu điện thoại thông minh và đây là công cụ rất quan trọng để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình, truy cập tin tức, nắm thông tin.

"Chúng tôi cũng biết rằng các bậc cha mẹ người Syria rất quan tâm đến việc học tập và hạnh phúc của con cái. Vì vậy chúng tôi muốn phát triển công cụ học tập dựa trên nền tảng trò chơi, đem lại sự hứng thú trong học tập cho các em ở bất cứ nơi nào", ông Berger Brende nhấn mạnh.

Minh Trí

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: