Dưới cái nắng hanh chớm hạ, Hoàng Thị Lâm Thi (lớp 9B, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ, Văn Quan, Lạng Sơn) rảo bước thật nhanh về lo cơm nước cho cả nhà. Cô học trò 15 tuổi dáng nhỏ bé thoăn thoắt nhặt rau, nhóm bếp, bắc nồi cơm, mắt thi thoảng liếc qua trang sách.
Bố đau yếu, mẹ đi làm kiếm tiền cả ngày, Thi lo cơm nước cho cả gia đình. Ảnh: Hồng Vân |
Thi là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em, bố Thi đau yếu quanh năm, không đủ sức lao động từ nhiều năm nay. Giữa năm ngoái, bố em phát hiện bị mắc tiểu đường, cơ thể suy sụp nhanh chóng, phải nằm một chỗ. Mọi của cải trong nhà theo những đợt điều trị, thuốc thang của bố em mà ra đi, nhưng bệnh tình bố không thuyên giảm. Thi kể có thời gian bố ngất liên tục, mẹ đưa bố đi bệnh viện, 3 chị em ở nhà hết giờ học lại ra đồng đi cấy, canh lấy nước cho kịp mùa vụ.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc Thi phải lo toan. Chị gái em học lớp 11 nên sáng sớm đạp xe tới trường, Thi dậy lo nấu cháo cho bố rồi mới chạy đến lớp. Mỗi ngày đều học hai buổi, tan học em về sớm dọn dẹp nhà cửa rồi làm cơm đợi mẹ, chị và em về. Có lần bố mẹ đều trong viện, nhà hết gạo Thi chia nhỏ số gạo còn lại ra nấu cháo vài bữa đợi mẹ về để không phải đi vay hàng xóm.
Cô học trò cũng rất chăm học. Buổi trưa, sau khi lo cơm nước cho gia đình em tranh thủ lên trường sớm trao đổi bài với các bạn ở khu bán trú. “Em thích học nhất môn Văn và tiếng Anh. Hai môn này gần gũi và bổ sung kiến thức ngữ pháp cho em rất nhiều, sau này đi làm ở đâu cũng đều cần dùng đến tiếng Anh”, Thi bẽn lẽn tâm sự.
Chị Triệu Thị Hiệp, mẹ Thi nghe thấy con gái nói vậy thì rơm rớm nước mắt: “Tôi cũng mong lo cho các cháu ăn học đàng hoàng như bạn bè, nhưng mười mấy năm nay chưa bao giờ nhà tôi thoát nghèo, người trong nhà cứ nay đau mai ốm. Trước đây tôi chăm bà cụ liệt 16 năm thì bây giờ lại đến bố bọn trẻ, thấy con ham học tôi cũng cố gắng chắt chiu để cháu không thiệt thòi”.
Buổi trưa hết giờ học, Thi chạy nhanh về nhà lo cơm nước cho cả gia đình rồi tranh thủ lên khu bán trú trao đổi bài với bạn. Ảnh: Hồng Vân |
Ông Hoàng Văn An (Chủ tịch xã Tri Lễ) cho hay gia đình Thi thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã vùng 3. Mẹ Thi là trụ cột chính trong gia đình, cái ăn trông chờ vào vài sào ruộng cách xa nhà đến 3 km, năm nào có mưa thì may ra đủ ăn, có năm nắng hạn mẹ em phải chạy đi vay gạo xóm làng để cả nhà không đứt bữa. Một mình mẹ em vừa lo chăm bố vừa lo kiếm cái ăn nên không có thời gian để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, tiền chữa bệnh cho bố đều phải đi vay ngân hàng, anh em hàng xóm.
Ngôi nhà của gia đình Thi làm bằng gỗ được dựng cách đây khá lâu, giờ xiêu vẹo. Nhiều người vẫn trêu đùa gọi là cái chòi vì quá nhỏ, chật chội khoảng 15 m2. Một vài tấm gỗ mối mọt, hở rộng quá phải nhét thêm giấy bìa vào che chắn. Trong nhà Thi không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc TV cũ. Chiếc bàn duy nhất trong nhà vừa là nơi tiếp khách, ăn cơm, vừa là nơi 3 chị em Thi học tập, ghế ngồi phải lấy tấm ván kê lên viên gạch.
Buổi tối, Thi kèm em học lớp 3 làm bài tập rồi mới học bài phần mình. Bố em đau ốm nên những lúc bố kêu nhức mỏi chân, Thi ngồi cạnh xoa bóp chân và kể chuyện trường lớp, bạn bè cho bố nghe. Chị Hiệp phân trần nhà ngay mặt đường cũng có ý định buôn bán vài đồ lặt vặt nhưng không thực hiện được vì thiếu vốn và neo người.
Chia sẻ về ước mơ, Thi lặng người suy nghĩ một lúc rồi mới nói: “Sau này em mơ ước làm cô giáo, nhưng nhà nghèo không biết có thể học đến hết cấp 3 không". Nghe con nói, người mẹ thở dài: “Con cái mỗi ngày một lớn, chi phí cho mấy đứa đã tiết kiệm hết mức có thể rồi, bố bọn trẻ thì ốm đau suốt có mình tôi làm lụng, lo cho con ăn học được ngày nào thì biết ngày đó”.
Nhận xét về học trò, cô Hoàng Thị Kim (Phó hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Tri Lễ) cho biết, Thi là học sinh ngoan, học khá giỏi. “Em rất ham học, mặc dù phải chăm bố và làm việc nhà, nhưng vẫn dành thời gian cho học tập và hỏi bài thầy cô giáo khi đến lớp. Nhà trường cũng tạo điều kiện, động viên em yên tâm đến lớp để đạt kết quả cao nhất”, cô giáo nói.
Hồng Vân