Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Gần đây cộng đồng xôn xao về “lò sản xuất tiến sĩ” với nhiều nhận xét tiêu cực. Thậm chí, một số người dùng Facebook còn đăng tải bản tóm tắt bằng tiếng Anh của luận án tiến sĩ với chủ đề “Giao tiếp của chủ tịch xã với dân” cho thấy sự thiếu cẩn trọng, sự yếu kém toàn diện về khả năng tiếng Anh của bản tóm tắt luận án.

ban-tom-tat-luan-van-tien-si-bang-tieng-anh-sai-tu-chinh-ta-toi-van-phong

Bản tóm tắt bằng tiếng Anh của luận án tiến sĩ với chủ đề “Giao tiếp của chủ tịch xã với dân”.

Theo tiến sĩ Ben Williams (tiến sĩ tâm lý học người Canada và cũng là nhà giáo dục giàu kinh nghiệm, kinh qua các vị trí như giáo sư đại học hay hiệu trưởng của chuỗi trường Montessori ở Canada), hiện là giám đốc học thuật của một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội, thì “trình độ tiếng Anh của bản tóm tắt luận án tiến sĩ này chỉ tương đương bài viết của học sinh cấp 3, hoặc cao lắm cũng chỉ bằng trình độ viết của sinh viên mới vào đại học ở những nước nói tiếng Anh xét về mặt văn phong, tạm gạt đi lỗi sai về chính tả, dấu câu, lỗi ngữ pháp và lỗi dùng từ”.

Sự cẩu thả về chính tả và dấu câu

Ngay dòng tiêu đề đã mắc lỗi viết thừa một chữ OF (Information of of new contributions of thesis). Không chỉ đánh thừa chữ, mà chính tả cũng rất nhiều lỗi. Ví dụ “Openning summany” (viết đúng chính tả là opening summary, bỏ một chữ n ở chữ opening và thay chữ n bằng chữ r ở chữ summary), hay citizents cần phải được sửa lại là citizens.

Ngay cả dấu câu trong bài tóm tắt cũng không đúng, ví dụ chỗ “Name of: PhD Student: Nguyen Thi Ha”, thì chí ít cũng phải bỏ dấu hai chấm (:) sau chữ of đi thành Name of PhD student.

Những lỗi chính tả và đánh máy cứ lặp lại liên tục cho đến cuối bài viết, ngay cả viết ngày tháng cũng khiến người xem không biết nên hiểu theo cách nào khi tác giả viết “Date: 03 May 16, 2016”.

Lỗi ngữ pháp đếm không xuể

Cũng ngay ở dòng đầu tiên viết bằng chữ in hoa, chúng ta thấy ngay lỗi không biết sử dụng cụm danh từ. Cụ thể là “information of new contributions of thesis” phải viết đúng là The information of new contributions of the thesis. Lỗi dùng cụm danh từ là khó tránh khỏi đối với người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ, nhưng lỗi chia động từ thì thật khó để có thể bào chữa.

Cụ thể là câu “thesis build a…” thì tối thiểu động từ build phải được chia theo chủ ngữ là ngôi thứ 3 số ít là builds, và chủ ngữ cần phải viết ở dạng cụm danh từ, và cụm đó cần viết lại là This thesis builds... Còn nếu muốn viết đúng ở trình độ của một bài viết học thuật của một luận án tiến sĩ, thì câu ấy cần được sửa thành This thesis seeks to build…

Càng đọc vào bài tóm tắt, lỗi dùng sai cụm từ, chia sai động từ càng lặp lại nhiều, cộng với lỗi ghép từ theo từ sơ đẳng (word-by-word) như một người mới tập viết tiếng Anh. Cũng vì lỗi ghép từ này mà tiêu đề của luận án “Communication characteristics with the citizens of the president of the commune People’s Committee” trở nên khó hiểu trong mắt người bản ngữ.

Theo tiến sĩ Ben Williams, tiêu đề này có cách diễn đạt khá kỳ quặc, nên được đặt lại là Communication characteristics of Presidents of commune People’s Committees with commune citizens dù chưa thật tự nhiên, nhưng ít nhất cũng khiến người đọc không mất nhiều sức để luận ra được ý thực của chủ đề tài.

ban-tom-tat-luan-van-tien-si-bang-tieng-anh-sai-tu-chinh-ta-toi-van-phong-1

Anh Nguyễn Anh Đức: "Trình độ B2 với thang điểm IELTS tương ứng là từ 5.5 đến 6.5, chưa thực sự đủ năng lực ngôn ngữ để viết một công trình nghiên cứu học thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh". 

Có nhất thiết phải viết bằng tiếng Anh không?

Bản tóm tắt luận án tiến sĩ về đề tài giao tiếp của chủ tịch xã với dân bàn về một vấn đề của Việt Nam, hầu như chỉ phục vụ công tác nghiên cứu ở Việt Nam, và người đọc cũng là người Việt Nam. Vậy thì nó có cần thiết phải được viết bằng tiếng Anh không?

Tạm gác qua một bên về tính nghiên cứu và tầm vóc học thuật đối với một đề án tiến sĩ khi nghiên cứu về đề tài giao tiếp của chủ tịch xã với dân, chỉ cần bàn về nhu cầu cơ bản là ngôn ngữ thể hiện nội dung và để đọc thôi, thì thiết nghĩ bản tóm tắt và cả luận án chính thức cũng chỉ nên viết bằng tiếng Việt.

Có lẽ yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với nghiên cứu sinh khi bảo vệ đề án phải đạt trình độ ngoại ngữ là B2 theo khung quy chiếu châu Âu (CEFR) chỉ nên hiểu là yêu cầu về khả năng giao tiếp. Vì bản chất trình độ B2 với thang điểm IELTS tương ứng là từ 5.5 đến 6.5, chưa thực sự đủ năng lực ngôn ngữ để viết một công trình nghiên cứu học thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh. Do B2 có thể hiểu là trình độ ngoại ngữ cao trung cấp (upper-intermediate) mà ở đó người dùng ngoại ngữ có thể sử dụng độc lập ở mức độ cao, nhưng vẫn còn mắc lỗi nhiều và văn phong chưa tự nhiên.

Trong đó trình độ C1 (cao cấp, tương đương 7.5 IELTS trở lên) mới thực sự đảm bảo rằng người sử dụng ngoại ngữ có thể viết tài liệu nghiên cứu với trình độ học thuật cao. Nhưng để đạt đến trình độ C1, người học cần được đào tạo trong khoảng thời gian là 3.000 giờ học, trong khi đó để đạt đến trình độ B2 người học chỉ cần được đào tạo trong 800 giờ học (trích thống kê về thời gian đào tạo tiếng Anh từ A1 đến C2 tại Phần Lan năm 2010).

Để có được 3.000 giờ đào tạo, người học phải mất tới 3 năm học liên tục với tối thiểu mỗi ngày học 2,5 giờ mà không bỏ bất cứ ngày nào. Liệu điều này có thực tế không?

Nguyễn Anh Đức
Chuyên gia giảng dạy tiếng Anh, CEO công ty Smartcom Việt Nam

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: