Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Trong bài trước tôi đã kể về những khó khăn vất vả của việc làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ. Nhưng sau này về nước và làm việc ở Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), qua câu chuyện của đồng nghiệp, bạn bè, học trò, tôi thấy làm tiến sĩ Toán trong nước còn khó khăn hơn gấp bội.

Có thể nêu ra một số nguyên nhân cơ bản sau. Thứ nhất, việc đào tạo tiến sĩ ở ta đa số và chủ yếu là đào tạo tại chức, các nghiên cứu sinh vẫn phải làm việc tại cơ quan đồng thời triển khai luận án. Dù các đơn vị chủ quản đều có những ưu đãi nhất định về mặt phân công công việc, nhưng nghiên cứu sinh không có học bổng riêng mà chỉ được giữ nguyên mức lương cơ bản, vì thế, dù muốn hay không, các cán bộ đi học vẫn phải làm việc để đảm bảo cuộc sống của mình.

Đây là một điểm trừ rất lớn, bởi vì trong nghiên cứu khoa học sự tập trung và liên tục đóng vai trò rất quan trọng. Nếu đang làm mà ta lại bỏ đi để làm việc khác thì khi quay trở lại, có thể ta phải bắt đầu lại từ đầu.

lay-bang-tien-si-toan-cong-nghe-trong-nuoc-khong-de

TS Trần Nam Dũng.

Thứ hai là môi trường khoa học không thật hoàn hảo, điều kiện để tiếp xúc với những nhà khoa học cùng chuyên ngành không nhiều, vì ở trong nước tìm được người cùng chuyên ngành, cùng mối quan tâm là không dễ, còn ở ngoài nước thì lại đụng phải vấn đề kinh phí. Sự hỗ trợ của cơ sở đào tạo hay cơ quan chủ quản cho nghiên cứu sinh trong vấn đề tham gia các hội nghị quốc tế là rất hạn chế. Tất cả cuối cùng cùng quy về sự xoay sở của thầy và trò, lấy từ tiền đề tài, dự án hoặc tiền cá nhân.

Trước đây vấn đề sách báo tài liệu cũng là một trong những khó khăn nhưng ngày nay với sự xuất hiện của Internet, với những thư viện điện tử, những kho tư liệu khổng lồ và cập nhật, vấn đề này đã được đưa xuống thứ yếu.

So với làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì quy trình làm nghiên cứu sinh trong nước phức tạp hơn, chặt chẽ hơn và rườm rà hơn rất nhiều. Tôi đếm sơ sơ từ lúc bắt đầu đến lúc bảo vệ phải trên dưới chục lần thành lập hội đồng: từ hội đồng duyệt đề cương đến các hội đồng nghiệm thu chuyên đề, bảo vệ ở các cấp. Mỗi lần như thế đều phải sắp xếp giờ giấc, mời chuyên gia, chuẩn bị tài liệu, báo cáo rất vất vả. Và mỗi lần như thế nghiên cứu sinh còn phải lo lắng cả chuyện đi lại, ăn ở của các chuyên gia.

Mà tiêu chuẩn để được ra bảo vệ, ít nhất trong những ngành mà tôi biết là Toán và Công nghệ thông tin vẫn rất khắt khe. Nếu có vài bài báo đăng ở các tạp chí uy tín thì tốt, còn không cũng phải có 4-5 bài đăng ở tạp chí trong và ngoài nước, có báo cáo ở các hội nghị khoa học có kiểm duyệt. Nói cách khác, tuy điều kiện khó khăn hơn nhưng yêu cầu thì cũng không kém gì các yêu cầu đối với một luận án ở nước ngoài.

Chính vì thế mà theo tôi nhận thấy thì thời gian làm luận án của các nghiên cứu sinh thường rất dài, rất lâu, bình thường là 6-7 năm nhưng cũng có người kéo dài đến cả 10 năm. Đến nỗi có người làm tiến sĩ xong thì cũng chuẩn bị về hưu.

Có lẽ chính vì khó khăn như vậy nên ở khoa Toán Đại học Khoa học tự nhiên, số tiến sĩ bảo vệ trong nước trong suốt nhiều năm qua có thể nói là chỉ xấp xỉ số ngón tay của hai bàn tay. Đa số sinh viên ưu tú của khoa Toán - Tin học đều tìm cơ hội và được tạo điều kiện để đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Rất vui mừng là nhiều em trong số đó nay đã trở về để bổ sung kịp thời cho đội ngũ cán bộ khoa học của trường.

Và điều này có lẽ không phải là đặc thù riêng của khoa Toán, ngay cả ở những đơn vị mạnh như khoa Công nghệ thông tin của trường, hay ở Viện Toán học Việt Nam, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiếm có giáo sư nào có quá 10 học trò là tiến sĩ.

TS Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: