Ngày 26/4, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã có buổi làm việc với Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, nắm tình hình thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của đơn vị.
Theo báo cáo của Viện, trong giai đoạn 2011-2015, có hơn 1.200 đề tài khoa học cấp bộ, gần 1.600 đề tài khoa học cấp cơ sở và 21 đề tài cấp nghị định thư được triển khai. Trong hai năm 2014-2015, Viện đã thanh tra, kiểm tra kỷ cương hành chính tại 7 đơn vị trực thuộc, không có khiếu nại, tố cáo phải giải quyết.
Ông Đặng Công Huẩn. |
Phó chủ tịch Viện hàn lâm, ông Phạm Văn Đức cho hay, năm 2015, Học viện Khoa học và Xã hội đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh với 1.425 học viên cao học và 350 nghiên cứu sinh cho 36 chuyên ngành đào tạo. Ông Đức khẳng định, quy trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện đúng quy định, tuy nhiên cũng thừa nhận tình hình chung về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay "mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội chứ chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội".
Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho rằng, Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cần nghiên cứu, sắp xếp tổ chức hoạt động tinh gọn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Viện cũng cần đặt hàng một đề tài đặc biệt, để các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá chung về chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của cả nước.
Từ kết quả nghiên cứu này, đưa ra các cảnh báo, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đánh giá chất lượng chung của đào tạo. Cụ thể là đang khuyết, đang vướng mắc chỗ nào để quy hoạch tổng thể số lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ nay đến năm 2020.
Đồng tình với Phó tổng thanh tra Chính phủ, nhưng ông Đức cho rằng trước đó, việc đào tạo đại học cũng cần quản lý chặt chẽ, không thể thực hiện cơ chế mở ồ ạt như hiện nay.
Lan Hạ