Trong buổi họp báo sáng 22/4, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội khẳng định, chưa có luận án tiến sĩ nào của Học viện Khoa học Xã hội (đơn vị thành viên) không đạt yêu cầu khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hậu kiểm. Đối với một số đề tài luận án bị dư luận nhận xét là "không xứng tầm", các giáo sư phụ trách đã lên tiếng khẳng định "đó là đề tài hay, mang tính thực tiễn và được đánh giá cao".
Đề tài nịnh trong tiếng Việt "có ý nghĩa xã hội lớn"
Với đề tài nghiên cứu về "hành vi nịnh trong tiếng Việt" bị nhiều ý kiến trái chiều, GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, khẳng định đây là đề tài tốt, những ý kiến chê là "chưa có sự hiểu biết thấu đáo".
GS Nguyễn Văn Hiệp và nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huệ. |
Theo GS Hiệp, muốn hiểu hành vi “nịnh” trong tiếng Việt cần phải đặt trong lý thuyết hành động ngôn từ (speech act) do J.L. Austin (nhà triết học ngôn ngữ nổi tiếng của thế kỷ 20) khởi xướng vào những năm 50. Sau khi ông mất, học trò đã in bài giảng của ông thành sách. Đó là cuốn "How to do things with words" (Nói là hành động) tập hợp một số bài giảng của Austin tại Đại học Harvard (Mỹ).
“Nếu các bạn vào Google tìm kiếm thì sẽ thấy hàng trăm luận án tiến sĩ trên thế giới làm về những hành vi ngôn ngữ cụ thể. Có 5 nhóm hành vi chính là xác tín, cầu khiến, cam kết, biểu cảm và nhóm tuyên bố. Trong đó, hành vi nịnh thuộc nhóm biểu cảm”, GS Hiệp cho hay.
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, ở góc độ ngôn ngữ học, hành vi nịnh của người Việt có cái chung và cái riêng, góp phần vào lý luận của hành vi ngôn ngữ thế giới. Đề tài này có giá trị thực tiễn, góp phần xử lý các vấn đề trong giao tiếp. "Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục, theo cách hiểu là dạy người ta cách nịnh", ông nhấn mạnh.
GS Nguyễn Văn Hiệp: "Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục". Ảnh: HT |
"Nghiên cứu về tội phạm không phải là để cổ vũ tội phạm, mà là để ngăn ngừa. Nghiên cứu về nịnh là để chúng ta biết thế nào là nịnh để tránh xa. Việc đó rất tốt, không nên quy chụp nịnh có gì mà nghiên cứu”, GS Hiệp nói.
Về chất lượng luận án nói trên, ông Hiệp khẳng định hội đồng chấm có ít nhất 4 người bên ngoài, độc lập hoàn toàn và toàn là giáo sư đầu ngành ngôn ngữ học.
“Đây là luận án khá hay, có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, tôi đang khuyến khích tác giả công bố nghiên cứu này thành sách. Nếu nghi ngờ chất lượng, xin Bộ và Học viện hậu kiểm. Tôi tin Bộ sẽ kết luận là luận án tốt”, GS Hiệp khẳng định.
Đề tài đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã "rất đáng làm"
Giải thích về đề tài nghiên cứu "Hành vi giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã", Viện trưởng Tâm lý học Vũ Dũng khẳng định đây là đề tài tốt, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Về lý luận, nghiên cứu giao tiếp là một trong những vấn đề rất quan trọng, nếu không có giao tiếp thì không có con người, không có xã hội. Đề tài này rất ít được nghiên cứu nếu không nói đây là đầu tiên, bổ sung lý luận về giao tiếp xã hội trong tâm lý học. Các cấp hội đồng đều đánh giá đề tài tốt vì Việt Nam có số lượng xã lớn với hơn 11.100 tính đến tháng 5/2015.
“Với số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy có đáng để nghiên cứu không, nghiên cứu có ý nghĩa không?”, ông Dũng đặt câu hỏi.
GS Vũ Dũng: "Hành vi giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã là đề tài hay". Ảnh: HT |
Về lý do tại sao lại nghiên cứu hành vi giao tiếp của chủ tịch xã mà không phải là huyện, tỉnh, trung ương, ông Dũng giải thích, xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất, trực tiếp với dân, triển khai chủ trương chính sách đến với dân. Chủ trương đến được với dân không là nhờ cấp xã. Chủ tịch xã là một trong 4 cán bộ chủ chốt của xã. Người này có triển khai được nhiệm vụ, hiểu được tâm tư nguyện vọng của dân hay không phải có giao tiếp với dân.
Hơn nữa, thời gian gần đây dư luận xã hội nói đến một số hạn chế của cán bộ cơ sở như quan liêu, hách dịch, xa dân, nhũng nhiễu... Những hành vi này có đúng không thì cần có số liệu nghiên cứu thực chứng chứ không thể nói cảm tính.
Theo ông Dũng, trong suy nghĩ của nhiều người thì luận án phải hoành tráng, nhưng hoàn toàn không phải vậy. "Tôi được đào tạo ở nước ngoài, đi 20 nước, đến hàng chục trường đại học lớn trên thế giới. Ở các nước phát triển những vấn đề nghiên cứu rất cụ thể, như cách đây 10 năm ở Hà Lan có đề tài nghiên cứu về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, hay có luận án nghiên cứu hành vi nhổ nước bọt ngoài đường… Nếu ở Việt Nam những đề tài này lại bị bị chê là vớ vẩn, nhưng ở nước ngoài được đánh giá có tính thực tiễn, có văn hóa", ông nói.
Viện trưởng Viện tâm lý học cho hay, gần đây các đề tài nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội hướng đến gắn với thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đào tạo gắn liền với nghiên cứu, nghiên cứu gắn liền với đào tạo nên các đề tài rất thiết thực, không mông lung, xa xôi.
Để có một luận án bảo vệ, GS Dũng cho biết phải qua quá trình sàng lọc gồm 8 bước, từ thi đầu vào, góp ý đề cương chi tiết, bảo vệ trước nhiều cấp hội đồng... "Qua quá trình dài, không thể có một đề tài vớ vẩn, vô nghĩa nào được đưa ra bảo vệ. Giáo sư hướng dẫn luận án này là Nguyễn Quang Uẩn - một trong số giáo sư đầu ngành cùng với GS Phạm Huy Hạc, GS Phạm Tất Dong, GS Hồ Ngọc Đại, 4 tứ trụ của ngành Tâm lý học Việt Nam", ông Dũng cho hay.
Hoàng Thùy