Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam 2016 tại công viên Thống Nhất, buổi tọa đàm Góc nhìn sử Việt và giới thiệu cuốn sách cùng tên được tổ chức. Sự kiện diễn ra buổi tối nhưng thu hút đông đảo học sinh, sinh viên lắng nghe chia sẻ của giáo sư Lê Văn Lan và ông Nguyễn Cảnh Bình - giám đốc Alpha Books.

Bắt đầu từ chủ đề đọc sách, Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng giới trẻ ngày nay nên hình thành tủ sách gia đình cũng như thú sưu tầm sách. Đó là cách nâng cao trí tuệ, hiểu biết về lịch sử, về dân tộc, cuộc sống. Từ năm học lớp 8, Giáo sư Lê Văn Lan đã gây dựng tủ sách riêng, trong đó nhiều sách đề tài lịch sử. "Thời đại ngày nay có câu: Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Google. Tuy nhiên, tôi tâm đắc với ý kiến cho rằng giỏi thì không cần đến Google. Mọi tri thức phải được chuẩn bị sẵn sàng ở trong đầu", giáo sư Lê Văn Lan nói.

gs-le-van-lan-gioi-su-thi-khong-can-tra-google

Ông Lê Văn Lan (giữa) và Nguyễn Cảnh Bình tại tọa đàm Góc nhìn sử Việt.

Câu chuyện về tủ sách gia đình hay thú vui sưu tầm sách, đọc sách được ông đưa ra để dẫn vào bộ sách Góc nhìn sử Việt. Giáo sư Lê Văn Lan cho biết nhiều sách lịch sử từ xa xưa nằm trong tủ sách riêng của ông đã được in lại trong bộ này. Góc nhìn sử Việt nhằm hệ thống lại các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị lịch sử, bước đầu hình thành "Tủ sách Di sản" ở quy mô lớn và xây dựng nguồn tài liệu chất lượng cho các cơ quan, trường học, thư viện...

Dự án bắt đầu từ tháng 10/2014 đến nay đã xuất bản 31 cuốn sách sử bao gồm Bóng nước hồ Gươm (tập 1&2), Quang Trung, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, Nữ tướng thời Trưng Vương, Cần Vương Lê Duy Mật kháng Trịnh, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng... Những cuốn sách này được sáng tạo từ xa xưa, nhiều bộ sách tác giả không còn nữa. Có những công trình của các học giả uyên bác miền Nam mà độc giả miền Bắc ít có cơ hội tiếp cận sẽ xuất hiện trong bộ sách này. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Lan, đó là nguồn tài liệu vô giá với những ai mê sách và sử Việt.

Ông Nguyễn Cảnh Bình - đại diện công ty xuất bản - khẳng định bộ sách mang đến những câu chuyện thú vị về lịch sử chứ không phải những nội dung khô khan.

Khi nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi về cách dạy và học Lịch sử chưa hiệu quả hiện nay, Giáo sư Lê Lan cho biết đó là câu hỏi rất khó. Những vấn đề này đã được đưa thành đề tài tại những cuộc hội thảo căng thẳng, có phân tích, phê phán thậm chí với thái độ kịch liệt. Kết quả là quyết định cải tổ chương trình, làm lại sách giáo khoa, đào tạo giáo viên và cải cách chuyện thi cử...

Một bạn trẻ hỏi về cách nhìn nhận những mặt khuất của lịch sử hiện nay, Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định lịch sử có nhiều mặt. "Có thời, chúng ta quan niệm lịch sử là một vũ khí tư tưởng và làm nhiệm vụ giáo dục tư tưởng. Bởi thế ta chỉ nói những chuyện tốt đẹp, trong khi lịch sử đích thực có rất nhiều mặt. Chỉ nói mặt tích cực có ích trong thời đó nhưng làm bó hẹp nhận thức, trí tuệ của mọi người. Tuy nhiên, quan trọng là đến lúc nào, trình độ nào thì nên biết góc khuất, cái xấu của nó và biết đến chỗ nào". Theo Lê Văn Lan, xử lý thông tin đa chiều của hiện thực thì phải đạt đến trình độ và lứa tuổi nhất định mới có thể hiểu thấu đáo.

Ông đưa ví dụ thực tế nước Đại Việt trước nhu cầu mở mang đất đai phát triển đã thủ tiêu trên bản đồ một đất nước, dân tộc có tên Chiêm Thành. Tuy nhiên, nhìn nhận lịch sử một cách khách quan, trong thời đó Chiêm Thành cũng mở mang đất đai và nhiều lần đưa quân sang đánh Đại Việt. Sau nhiều lần gây chiến lẫn nhau, cuối cùng Đại Việt giành phần thắng. Theo Lê Văn Lan, thực tế chúng ta đã nhận ra sự thật lịch sử trong quá khứ, khép lại nhưng không quên lịch sử, trong đó có hàng loạt việc làm để sửa sai lầm như xây các bảo tàng Chăm Pa, khuyến khích dân số...

Câu chuyện về lịch sử khiến các bạn trẻ háo hức. Nhiều người tiếc nuối khi không có cơ hội trò chuyện với các diễn giả. Khi MC tuyên bố kết thúc chương trình, nhiều cánh tay vẫn giơ lên xin đặt câu hỏi cho thấy tín hiệu lạc quan về nhu cầu đọc và học Sử của giới trẻ hiện nay.

Di Ca

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: