Ngày 10/4, Chung kết cuộc thi English Champion đã đi đến đích sau ba ngày "chạy đua". Ở khối 4, thí sinh Cao Mỹ Duyên, trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) giành giải Vô địch, đứng thứ 2 là Đỗ Ngọc Yến Nhi, trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP HCM), Nguyễn Ngọc Vinh Sơn, trường tiểu học Hòa Bình (TP HCM) và Đỗ Đình Phú, trường Marie Curie (Hà Nội) đồng giải 3.
Ở khối này, thí sinh nhận được yêu cầu lựa chọn biểu tượng cho Việt Nam. Cao Mỹ Duyên đã lựa chọn 3 biểu tượng cho Việt Nam gồm: hình ảnh phụ nữ Việt Nam biểu trưng cho sự phồn thịnh và sức hấp dẫn của Việt Nam, cây tre biểu trưng cho sức mạnh và truyền thống lâu đời của người Việt, mặt trời và mây biểu trưng cho tương lai tươi sáng.
Trong phần câu hỏi phụ, khi được giám khảo yêu cầu mô tả con người Việt Nam cho bạn bè quốc tế và tác dụng của cây tre, Mỹ Duyên cho biết người Việt Nam tuy nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ và kiên cường, luôn chiến đấu kiên cường trong quá khứ và hiện tại, cây tre có thể chiến đấu chống lại kẻ thù như trong chuyện Thánh Gióng và bảo vệ làng xóm như những câu chuyện mẹ kể.
Còn Đỗ Ngọc Yến Nhi lựa chọn Áo dài làm biểu tượng Việt Nam bởi đây là trang phục truyền thống của người Việt được sử dụng trong các dịp lễ tết hoặc tại trường học. Dù sử dụng trong hoàn cảnh nào, thiết kế áo dài cũng để lại ấn tượng đặc biệt nhờ thiết kế mềm mại, phù hợp nhiều vóc dáng, khiến người phụ nữ đẹp lộng lẫy và quyến rũ. Yến Nhi cho rằng, áo dài biểu trưng cho văn hóa Việt từ quá khứ đến hiện tại. Trong câu hỏi phụ, em cũng cho biết mình sẽ luôn mặc áo dài bởi đây là một đặc trưng của Việt Nam.
Đỗ Đình Phú thì chọn biểu tượng là chiếc nón lá còn Nguyễn Ngọc Vinh Sơn lại lựa chọn Hoa sen.
Thí sinh Cao Mỹ Duyên vô địch khối 4. |
Ở khối 5, thí sinh Đặng Trần Đoan Trang, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP HCM) đã giành vị trí Vô địch, Nguyễn Nam Huy (Tiểu học Đặng Trần Côn A, Hà Nội) giải Nhì và Nguyễn Khắc Hồng Hải (Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm TP HCM) giành giải Ba.
Các thí sinh khối 5 đã bắt được chủ đề về phương pháp tái chế rác thải. Đặng Trần Đoan Trang cho biết, rác thải là một vấn nạn toàn cầu, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Chúng ta nên đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy xử lý rác thải, khuyến khích phân loại và tái chế, nâng cao nhận thức để mọi người thay đổi thói quen tái chế rác thải, phạt nặng với các hành vi làm ô nhiễm môi trường.
Ở khối 6, thí sinh Dương Minh Khôi, trường Hà Nội Amsterdam đã giành ngôi Vô địch, giải Nhì là thí sinh Nguyễn Phan Ý Nhi (THCS Nguyễn An Ninh, TP HCM, và giải Ba là Nguyễn Thị Nhã Văn ( THCS Chu Văn An, Hà Nội).
Các thí sinh khối 6 được hỏi về chủ đề có nên học Lịch sử hay không. Tất cả các thí sinh đều ủng hộ học Lịch sử trong trường học bằng nhiều lý lẽ khác nhau. Dương Minh Khôi nhận định, lịch sử giúp chúng ta quý trọng những gì mình có, rút ra các bài học của những người đi trước từ đó hoàn thiện bản thân, cũng như bảo tồn các di sản và bản sắc dân tộc. Lý do khiến môn lịch sử bị nhiều học sinh than nhàm chán bởi quá nhiều số liệu, học một chiều… Bởi vậy em đề xuất nên dạy lịch sử qua cả cái tốt và xấu, phương pháp học chủ động, nhiều hình thức truyền đạt thông tin khác nhau, học sinh được thăm quan và tìm hiểu các di tích lịch sử để bồi dưỡng kiến thức.
Khối 7 nhận một chủ đề khá gần gũi đó là ảnh hưởng từ bạn bè có hữu ích đối với cá nhân hay không. Thí sinh Phạm Trần Lan Khuê, trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) cho rằng ảnh hưởng bạn bè đã là một vấn đề nan giải từ lâu, như em đã từng theo bạn mà chửi thề, hoặc có nhiều trường hợp bị áp lực bạn bè mà dẫn tới tự tử.
“Bởi vậy bên cạnh việc mỗi học sinh cần có chính kiến và quan điểm riêng, phụ huynh cũng cần quan tâm hơn tới con cái. Bản thân em không tạo áp lực lên bạn bè mà chỉ đưa ra các lời khuyên, em luôn có chính kiến và tự đưa ra các quyết định của bản thân”, Khuê nói.
Với câu trả lời trên, Phạm Trần Lan Khuê đã trở thành nhà vô địch khối 7, giải Nhì thuộc về Bùi Vũ Gia Phúc (trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM), giải Ba thuộc về thí sinh Đỗ Đức Minh (THCS Cầu Giấy, Hà Nội).
Kết quả chung cuộc khối 8, thí sinh Nguyễn Thái Hà (trường Archimes Academy (Hà Nội) đã trở thành Nhà Vô địch, đứng thứ 2 là Phạm Đức Dũng (THCS Hà Nội Amsterdam) và thí sinh Huỳnh Ngọc Phương Thu (trường Việt Úc TP HCM) đứng thứ 3.
Thí sinh Nguyễn Thái Hà khẳng định tiếng Anh có tầm ảnh hưởng rộng rãi, giúp Việt Nam phát triển kinh tế và ngoại giao, hội nhập với thế giới, giúp mọi người tăng cường giao tiếp, mở rộng kho tàng tri thức nhân loại và cũng giúp phổ biến văn hóa Việt Nam ra thế giới, đây là xu hướng không thể thiếu trong công cuộc toàn cầu hóa, phát triển kinh tế và mở rộng quan hệ ngoại giao. Khó khăn ở đây chính là do suy nghĩ của mỗi người, tuy nhiên vấn đề có thể giải quyết được với cách học tập hiện đại, linh hoạt.
Cuộc thi English Champion 2016 do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Học viện Anh ngữ EQuest và Anh ngữ Việt Mỹ VATC phối hợp tổ chức. Cuộc thi dành cho các học sinh từ lớp 4 đến lớp 8 tại các trường Tiểu học và THCS trên toàn quốc, có quốc tịch Việt Nam. Tổng giá trị giải thưởng của English Champion 2016 là 26,5 tỷ đồng. |
Lan Hạ