Trao đổi với VnExpress, Trưởng phòng giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Phạm Hữu Hoan cho biết, đến nay Sở đã hoàn tất việc ra đề thi theo đúng phom đề, cấu trúc, nội dung và độ khó của đề thi THPT quốc gia.
Ngày mai, học sinh lớp 12 ở thủ đô sẽ bước vào kỳ thi khảo sát chất lượng (thi thử) ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ kéo dài trong 1,5 ngày. Các em sẽ bắt đầu bằng bài thi môn Toán vào sáng 20/4, Ngoại ngữ buổi chiều và Ngữ văn sáng 21/4.
Học sinh thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Giang Huy |
Theo ông Hoan, Sở sẽ chuyển đề thi cho các cụm trường. Các trường thành lập hội đồng thi và in sao đề, tổ chức chấm điểm và báo cáo kết quả về Sở.
"Mục đích của kỳ khảo sát này là để học sinh làm quen với kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào đầu tháng 7. Qua kết quả, nhà trường, cấp quản lý đánh giá tình hình học tập của học sinh để từ đó kịp thời điều chỉnh trong quản lý và dạy học", ông Hoan cho hay.
Kết quả cuộc khảo sát không dùng để đánh giá vào điểm số năm học của thí sinh.
Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, các trường phải lên kế hoạch chi tiết ôn tập cho học sinh, đặc biệt tập trung vào các em học lực trung bình, yếu.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga thông tin, đề thi THPT quốc gia 2016 căn bản không khác năm ngoái, vẫn khuyến khích thí sinh áp dụng kiến thức THPT vào điều kiện thực tế. Câu hỏi mở không bắt buộc thí sinh phải trả lời máy móc.
Với môn Ngoại ngữ, vùng khó khăn trong học tập có thể thay thế bằng môn khác. Trong khuôn khổ đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 thì Ngoại ngữ sẽ được dạy trong toàn bộ hệ thống. Thí sinh vùng xa, nông thôn cũng được học để đạt trình độ cần thiết.
Lan Hạ