Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Vài người bạn hỏi tôi, ông bộ trưởng mới lên đấy, cậu có cảm nghĩ gì? Tôi không có cảm nghĩ gì lúc đó và cũng không mấy quan tâm. Cho đến khi đọc được bài phỏng vấn Bộ trưởng trên VnExpress, tôi thấy nhẹ người và bắt đầu có niềm tin.

ba-thach-thuc-voi-tan-bo-truong-giao-duc

Thầy giáo Đào Tuấn Đạt.

Thứ nhất, nền giáo dục của chúng ta mà rộng hơn là xã hội đang rệu rã vì thiếu các giá trị nền tảng để hướng tới và gắn kết. Thay vào đó là phép liệt kê có tính chất khẩu hiệu các tính từ tốt đẹp để tự khen hoặc gợi ý cho người khác khen. Tuy ông không nói rõ trong bài phỏng vấn nhưng có thể ngầm hiểu triết lý và mục tiêu giáo dục của ông là “tạo nên con người nhân văn”, học để được sống vui vẻ trong một xã hội yên bình.

Bất cứ một chính sách nào của ngành giáo dục, bất cứ một hành động nào của nhà trường và thầy cô mà đều trả lời được câu hỏi, như thế có nhân văn không, có tốt nhất cho các học sinh không thì không đến nỗi gây nhiều băn khoăn lo lắng như hiện nay. Chúc tân Bộ trưởng giữ vững niềm tin vì một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và hiện đại.

Thứ hai, ông đã chạm vào một trong những vấn đề cốt tử của giáo dục hiện nay là cách học tầm chương trích cú ăn sâu bám rễ bao đời nay. Thay vì chú trọng đến cốt lõi, đến tinh thần của vấn đề và tìm cách lý giải một cách khoa học thì lại mất thời giờ vào việc bẻ câu bẻ chữ, đánh tráo khái niệm, phân biệt cao thấp tầm thường. Vì chỉ chăm chăm vào việc tiếp cận nội dung nên việc học trở nên nặng nề, quá tải là tất yếu.

Thay vào đó, tân Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người. Giáo dục không phải vì bằng cấp mà vì sự hạnh phúc của con người”. Chỉ khi nhà trường dạy được cho học sinh cách học, để họ có khả năng tự học suốt đời mới giải quyết được căn cơ vấn đề chất lượng giáo dục.

Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có ba vấn đề có thể coi là tiên quyết sau đây.

Một là vấn đề học thật và thi thật. Thi không phải mục tiêu của giáo dục nhưng chúng ta phải dũng cảm tổ chức các kỳ thi nghiêm ngặt. Phải chống được mọi hành vi gian lận trong nhà trường và trong thi cử. Vì các kỳ thi trong quá khứ diễn ra lỏng lẻo nên học sinh càng ngày càng trở nên lười biếng. Thay vì nỗ lực học tập thì họ tìm kiếm cơ may trong phòng thi và ở đền chùa miếu mạo. Vai trò của thầy cô và nhà trường ngày càng mất đi sự tôn trọng.

Nếu chúng ta đối diện được với việc tốt nghiệp lớp 12 thực chất chỉ khoảng 30% như nhiều thầy cô dự đoán thì mới mong có sự thay đổi thái độ học tập của học sinh. Mọi biện pháp, mọi nỗ lực đều không thể đạt hiệu quả nếu học sinh không chịu học. Vấn đề hiện nay không phải là chi bao nhiêu tiền cho các dự án giáo dục mà là có chống được gian lận hay không. Tôi tin nếu ông bộ trưởng quyết tâm thì xã hội sẽ đồng thuận. Không bố mẹ nào, thầy cô nào muốn con đi học mà lại chỉ thu được kết quả trên giấy. Không học thật thì làm sao có năng lực mà tự quyết các vấn đề của mình, chứ chưa nói đến vấn đề tự lực tự cường của cả một dân tộc.

Hai là vấn đề tự do học thuật. Không chỉ sách giáo khoa không phải là pháp lệnh, mà ngay cả chương trình cũng không phải là pháp lệnh. Chỉ người giáo viên đứng lớp mới biết phải lựa chọn nội dung gì và dạy như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cho học sinh của mình. Bộ Giáo dục có chương trình chi tiết nhưng người giáo viên đứng lớp có quyền cắt bỏ hoặc thêm bớt để phù hợp với học sinh. Tình trạng hiện nay là biết học sinh không hiểu, không tiếp thu được nhưng vẫn phải dạy cho hết bài.

Ở đại học, mấy chục năm giáo trình vẫn như cũ và các môn không phải chuyên môn vẫn chiếm quá nhiều thời gian. Quyền tự quyết của ông thầy về chuyên môn hầu như không có thì làm sao họ là kỹ sư tâm hồn được. Các thầy cô thường buộc phải tuân theo các chỉ thị hành chính và hưởng ứng các phong trào, dù họ biết không hiệu quả với học sinh của mình. Mọi mệnh lệnh hành chính cho các vấn đề thuộc chuyên môn đều dẫn tới thất bại và chỉ cho ra các kết quả giả tạo.

Ba là vấn đề dân chủ trong nhà trường. Hãy để cho học sinh nói lên suy nghĩ của họ trong mọi vấn đề liên quan. Các giáo viên được “cho điểm” cấp trên của họ hàng năm. Và ông bộ trưởng công bố online dự kiến chính sách, lý giải các quyết định của mình để cho giáo viên, học sinh và những người quan tâm cùng tranh luận. Tuy chỉ để tham khảo nhưng đó sẽ là cuộc chơi thú vị cho tất cả các bên.

Đào Tuấn Đạt 
Hiệu trưởng THPT Anhxtanh, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội 

Xem thêm:

>>6 vấn đề mong tân Bộ trưởng Giáo dục tập trung giải quyết
>>Mười đề xuất của một doanh nhân với tân Bộ trưởng Giáo dục

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: