Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Sinh năm 1989, Cấn Văn Khuynh (Thạch Thất, Hà Nội) là sinh viên lớn tuổi nhất lớp K36 Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Đại học Công nghiệp Việt - Hung. Tuy xuất phát chậm hơn mọi người, Khuynh không quá vất vả khi làm quen với kiến thức chuyên ngành bởi có nhiều năm lăn lộn ở trường đời.

Hành trình học tập của Khuynh không suôn sẻ. Cậu từng thi đỗ Đại học Bách khoa năm 2007 nhưng bị buộc thôi học sau kỳ đầu tiên vì mải chơi game. Sau vấp ngã đầu tiên, Khuynh đi làm thợ xây cùng bố. Sau vài năm gắn bó với vôi vữa, công trình, chàng trai trăn trở: “Công nhân hay kỹ sư thì đều biết đọc bản vẽ, nhưng có khác biệt rất lớn. Công nhân chỉ làm theo bản vẽ còn kỹ sư sẽ giải thích được tại sao phải làm thế này mà không phải thế kia”.

Suy nghĩ học không bao giờ là quá muộn, Khuynh quyết tâm thi lại đại học. Cậu chọn Đại học Công nghiệp Việt - Hung vì trường chỉ cách nhà một cây số, không phải tốn tiền thuê trọ.

chang-thu-khoa-tung-bi-thoi-hoc-vi-mai-choi-game

Nhiều năm làm thợ xây cùng bố giúp Cấn Văn Khuynh tích lũy kinh nghiệm.

Chi phí học đại học thực sự là áp lực lớn với Khuynh. Gia đình thuộc hộ nghèo, năm 2015, bố em bị phát hiện ung thư máu. Căn bệnh khiến gia đình bị xáo trộn bởi phải tốn nhiều chi phí điều trị trong thời gian dài. Nhà làm nông, ngoài thu nhập từ mảnh ruộng thì chỉ còn phụ thuộc vào hàng đậu phụ của mẹ và những hôm bố tranh thủ đi phụ hồ.

Không muốn gia đình lún sâu vào nghèo khổ, Khuynh tập trung học tập. Trên lớp cậu thường tập trung nghe giảng, sắp xếp thời gian ôn bài ngay buổi tối hôm đó, do đó không phải tốn thời gian ôn tập khi đến kỳ kiểm tra. Với phần thực hành, nhiều năm làm thợ xây cùng bố giúp cậu tích lũy kinh nghiệm và tự tin vào bản thân. Kết quả toàn khóa 2012-2016, Khuynh đạt điểm cao nhất, trở thành thủ khoa đầu ra của Đại học Việt - Hung.

Nhắc đến các con, ông Cấn Văn Khoản luôn lạc quan: “Thằng út chỉ học hết phổ thông rồi đi làm thợ mộc, nhưng không phụ thuộc vào bố mẹ. Con gái sắp đi xuất khẩu lao động. Mỗi thằng Khuynh, con cả, là học hành tốt nhất. Nó buổi đi học buổi đi làm, năm nào cũng nhận được học bổng của trường”. Nhắc đến lần học đại học dang dở của Khuynh, ông Khoản nói, vợ chồng ông không chê trách nhiều mà động viên, ủng hộ con thi lại.

Nhận xét về học trò do mình chủ nhiệm, thầy Chu Bảo Ngọc, nói: “Khuynh có tư chất tốt, tiếp thu nhanh, là lớp phó học tập được các bạn yêu quý. Tuy hoàn cảnh khó khăn, có thêm nỗi lo hỗ trợ kinh tế gia đình nhưng em luôn cố gắng sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động đoàn thể”.

Hiện Khuynh làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty kết cấu thép, phụ trách dự án, thiết kế và thi công công trình. Công việc mang lại thu nhập tốt, giúp trang trải cuộc sống và chi trả khoản nợ của gia đình trong thời gian chữa bệnh cho bố. Không phủ nhận mình may mắn hơn nhiều bạn cùng khóa vì nhanh chóng có việc làm sau khi ra trường, tuy nhiên Khuynh vẫn tiếc vì để lỡ quãng thời gian không học hành tới nơi tới chốn.

Theo sinh viên lớn hơn bạn cùng khóa 5 tuổi này, việc đi đường vòng như mình là không cần thiết. “Nếu có điều kiện, các bạn hãy tìm công việc làm thêm liên quan đến chuyên ngành ngay khi còn đi học. Điều đó sẽ đem lại lợi thế lớn cho chính công việc của bạn trong tương lai”, Khuynh chia sẻ với các bạn trẻ sắp bước vào đại học.

Phiêu Linh

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: