Thời phổ thông tôi là học sinh chuyên Toán, sau đó học đại học và cao học ngành Toán tại TP HCM. Tôi từng dạy ở trường dân lập chất lượng tốt, hiện tại là giáo viên ở thành phố, tuổi đời gần 30. Tôi không dạy thêm. Nói như vậy để các bạn biết tôi là người trong nghề, sinh sống tại thành phố. Điều tôi muốn là tìm ra giải pháp, hướng đi, sự tôn trọng với những nhà giáo có năng lực và tâm huyết.
Tôi sống ở TP HCM nhiều năm rồi, theo dõi các bài báo về giáo dục, từng mong mỏi, nhưng chả thấy có một buổi gặp mặt rộng rãi giữa các giáo viên với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo cấp cao thành phố. Tôi biết lãnh đạo phải làm rất nhiều việc, nhưng thiết nghĩ giáo viên, những người trực tiếp chịu trách nhiệm của ngành giáo dục, những người ở vị trí “trên đe dưới búa”, những người thường chịu cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm” sẽ có rất nhiều trăn trở, bức xúc muốn gửi gắm lãnh đạo.
Tính thực tế, thực trạng giáo dục được phản ánh từ giáo viên, học sinh cũng là kênh đáng tham khảo so với những bức xúc trên cộng đồng mạng. Trước những bức xúc về vấn nạn dạy thêm học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã có công văn chính thức cấm dạy thêm học thêm trong trường từ năm học 2016-2017, dư luận khá đồng tình và tin tưởng. Riêng tôi, tôi thấy sẽ không giải quyết được vấn đề, vì các lý do sau:
Thứ nhất, không dạy thêm học thêm ở trường thì sẽ có những trung tâm mọc sát trường. Những giáo viên có đạo đức không tốt vẫn có cơ hội và thủ thuật để đì học sinh, mồi chài các em đến trung tâm này, lợi ích theo sự thỏa thuận giữa giáo viên và trung tâm. Các em vẫn bị đì như thường.
Thứ hai, những giáo viên nào cố tình dạy tại gia hoặc là quen biết hoặc sẽ phải chi tiền hoa hồng cho quản lý phường. Việc này tạo điều kiện tham nhũng.
Trước khi nói ra giải pháp, tôi mong cùng các bạn nhìn nhận lại về dạy thêm học thêm, nguyên nhân từ đâu. Theo cá nhân tôi, có ba nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, học để nâng cao nhận thức, muốn đỗ đạt cao, muốn hơn người, muốn vào trường đại học tốt phải chuẩn bị một nền tảng kiến thức. Việc học để nâng cao kiến thức, kỹ năng là một nhu cầu.
Thứ hai, sự phân luồng học sinh ở Việt Nam không được coi trọng, thực hiện quá muộn màng so với lứa tuổi học sinh.
Thứ ba, lỗ hổng về việc kiểm tra đánh giá, quyền định đoạt, cho điểm trực tiếp học sinh của giáo viên đã tạo điều kiện cho những giáo viên xấu lợi dụng và đì học sinh. Trong tự nhiên, cây xanh luôn vươn mình lên cao đón ánh sáng. Trong xã hội loài người, tôi tin rằng ai cũng muốn cho mình một chỗ đứng tốt, phụ huynh thì muốn con em mình được học trong môi trường tốt. Số lượng trường tốt thì ít, học sinh thì quá nhiều. Để chọn những người có năng lực thì phải thi.
Kỳ thi nào cũng có những kỹ năng nhất định mà một người muốn vượt qua đều phải học. Chuyện luyện thi ra đời là một tất yếu. Đó là nhu cầu thực sự, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thật là bất hạnh khi xếp một học sinh yếu và một học sinh giỏi trong cùng một lớp. Bất hạnh cho cả người học lẫn người dạy. Dạy học phải theo sát đối tượng. Học sinh giỏi sẽ cảm thấy thật nhàm chán khi phải nhai đi nhai lại một vấn đề. Nếu giảng nâng cao thì em yếu không theo kịp, nếu giải cơ bản quá mức thì em giỏi lại nản.
Người dạy cũng khó xử và chịu sự phản ánh là dạy không hấp dẫn. Theo tiêu chuẩn đánh giá xếp loại giáo viên dựa vào chỉ tiêu điểm thi học kỳ học sinh thì giáo viên sẽ chọn giải pháp an toàn là dạy cơ bản, vừa nhẹ người, vừa an toàn. Vô tình ta đã cào bằng về mặt trí tuệ của mọi học sinh. Tôi là người thích sự “công bằng” chứ không thích sự “cào bằng”.
Có nhiều em đầu óc không phù hợp với các môn tự nhiên, sở thích nguyện vọng ngành nghề cũng không liên quan đến các môn tự nhiên mà vẫn bắt các em phải học. Không theo kịp bài giảng là điều tất yếu. Cũng từ đây mà phải đi học thêm hoặc phản ánh là giáo viên dạy trên lớp không hiểu.
Phân luồng học sinh theo trình độ, theo năng khiếu, sở thích, nguyện vọng là việc không thể không làm. Ở đây tôi không bàn về nội dung chương trình sách giáo khoa, ý kiến vấn đề này đòi hỏi về mặt chuyên môn, tầm nhìn sự phát triển tri thức nhân loại trên cơ sở mục tiêu của nền giáo dục nước nhà chứ không đơn giản chỉ là tâm lý thương con, tâm lý thực dụng muốn học ít mà ứng dụng cho nhiều.
Có rất nhiều ý kiến dư luận về vấn đề này làm cho Bộ cũng khó xử. Riêng tôi, tôi lại nhớ lại giai thoại về Euclide trước Công Nguyên đã trả lời cho vua Ptoleme về con đường dẫn đến hình học hay môn sinh của ông về ích lợi của việc học Toán. Các bạn cũng nên chớ vội tin rằng học sinh trường quốc tế học ít mà sao vẫn giỏi, điều này thiếu căn cứ, cá nhân tôi thì không nghĩ vậy. Chưa có một tổ chức thống kê nào ở Việt Nam làm bài thi so sánh năng lực giữa hai nhóm học sinh, so sánh giữa số tiền chi ra cho học sinh một trường quốc tế và học sinh một trường công lập, so sánh hoàn cảnh xuất thân gia đình học sinh, khả năng thành công của hai nhóm này sau khi tốt nghiệp phổ thông như thế nào.
Nguyên nhân cuối cùng là nỗi bức xúc của nhiều người. Tôi xin đề xuất giải pháp gồm hai giải pháp song song như sau:
Giải pháp 1, các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh, giáo viên không được trực tiếp cho điểm 15 phút và một tiết nữa, thay vào đó sẽ thực hiện việc kiểm tra tập trung tại trường vào mỗi sáng thứ hai luân phiên giữa các môn theo hình thức giống như kiểm tra học kỳ. Đề thi theo hình thức ngân hàng đề của tổ, mỗi người trong tổ bộ môn sẽ tham gia ra đề và hiệu trưởng trực tiếp chọn đề hoặc Sở có thể trực tiếp gửi đề qua mail cho trường vào ngày thứ bảy. Toàn bộ bài làm học sinh sẽ được rọc phách. Cả tổ sẽ tham gia chấm bài. Việc làm này sẽ đảm bảo tính khách quan về điểm số.
Giải pháp 2, gắn camera ở tất cả lớp học. Có camera ghi lại hình ảnh âm thanh việc giảng dạy của giáo viên, vở ghi bài của tất cả học sinh trong lớp, sổ đầu bài sẽ là căn cứ để loại những giáo viên có thủ thuật cắt xén chương trình, không dạy theo đúng chuẩn kiến thức kỹ năng ra khỏi ngành. Đây cũng là căn cứ để phụ huynh biết được con em mình ở trường có học hành hay không. Ở đây tôi nói là chuẩn kiến thức và kỹ năng, giáo viên có quyền không dạy những kiến thức luyện thi đại học, vì điều này không bắt buộc và cũng không phải là trách nhiệm của họ.
Về tính khả thi của hai giải pháp này, tôi xin nói là hoàn toàn khả thi, giải pháp 1 có thể thực hiện trước giải pháp 2 (nếu thiếu kinh phí). Trong giải pháp 1 đòi hỏi có một bộ phận làm công tác in sao đề rọc phách và phân bài. Bộ phận này do sự phân công của hiệu trưởng, dĩ nhiên đi kèm với quyền lợi tăng thu nhập. Tiền đóng phục vụ kiểm tra mỗi học sinh trong một tháng khoảng 30 nghìn đồng. Số tiền này bao gồm tiền giấy thi và tiền bồi dưỡng bộ phận in sao đề, rọc phách, ráp bài, phân bài, vào điểm.
Kinh phí thực hiện giải pháp thứ hai được lấy từ ngân sách, những nhà tài trợ, phụ huynh học sinh, giáo viên. Một năm không đủ tiền làm thì hai năm. Ta luôn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, giá thành một camera bây giờ không phải là đắt nữa. Muốn mọi thứ được rõ ràng thì phải được giám sát chặt chẽ, giải pháp có tốt cỡ nào mà không có sự minh bạch giám sát thì vẫn còn sự lách luật.
Hai giải pháp trên nếu được thực hiện đồng bộ sẽ tăng cường khả năng giám sát của Sở, Bộ trong việc quản lý các trường, cũng như đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng của học sinh, hạn chế vấn đề lạm phát về điểm, tỷ lệ học sinh giỏi và còn rất nhiều lợi ích khác nữa. Khi hai giải pháp này được thực hiện song song thì việc dạy thêm học thêm không có lý do gì mà phải cấm.
Trong xã hội chúng ta, ngành nào cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh". Tôi muốn mọi người khi nói một giáo viên nào không có đạo đức nghề nghiệp phải có căn cứ rõ ràng, chứng cứ buộc tội chứ không theo kiểu a dua, anh hùng bàn phím. Tôi biết những thầy cô có năng lực tâm huyết sẽ không cần dùng đến thủ đoạn thấp hèn đó mà vẫn có đầy học sinh đến học. Tôi mong những nhà giáo, các bạn sinh viên sư phạm chuẩn bị bước vào nghề, hãy xem mình như người bán chữ để sống, đừng quá buồn lòng.
Huỳnh Minh Đức