Tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn
Nhằm giảm áp lực và đánh giá đúng hơn về khả năng của từng thí sinh, thay vì tổ chức thi cử, Đại học trực tuyến FUNiX chọn cách phỏng vấn trực tiếp mỗi thí sinh khi tuyển sinh. Thay vì phải căng thẳng ngồi hàng giờ trong phòng thi, thí sinh sẽ được thoải mái trò chuyện, nói về những khả năng, kể cả nhược điểm của bản thân với các chuyên gia để được tư vấn cụ thể.
Để tham gia ứng tuyển, các ứng viên gửi đơn xin học online và CV giới thiệu bản thân. Sau quá trình sàng lọc đơn, FUNiX sẽ sắp xếp buổi phỏng vấn giữa các ứng viên và mentors - là các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Các mentors sẽ phỏng vấn ứng viên về nguyện vọng, dự định cá nhân và phân tích bối cảnh nghề nghiệp của mỗi người để từ đó giải đáp xem chương trình học có đáp ứng mong muốn của ứng viên hay không.
Bên cạnh những nội dung về chương trình học, phỏng vấn trở thành buổi tư vấn khi ứng viên có thể chia sẻ thẳng thắn những khúc mắc và câu chuyện cuộc sống khi quyết định tham gia ứng tuyển. Đối với học sinh hay những người “ngoại đạo” mới bắt đầu, mentors sẽ truyền cảm hứng giúp họ có thêm quyết tâm theo đuổi đam mê. Ngược lại, những cá nhân không có động lực rõ ràng, thái độ không thực sự cầu thị, chưa sẵn sàng thì mentors sẽ gợi ý lựa chọn khác phù hợp hơn để không lãng phí thời gian của hai bên.
Học online
Sau khi đăng ký học, sinh viên sẽ nhận một tài khoản online để có thể chủ động đăng nhập vào Facebook học bất cứ lúc nào rảnh. Toàn bộ chương trình, giáo trình cũng được đưa lên Internet nên sinh viên không phải mang theo giáo trình, sách vở khi cần học.
Trường không cố định thời gian học, chỉ cần thiết bị kết nối mạng, học viên có thể học bài ngay trên xe buýt, giờ nghỉ giải lao hay cả trong chuyến du lịch...
Mỗi tháng trường tổ chức offline một lần để sinh viên và các chuyên gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi các vấn đề trong học tập và công việc.
Giảng dạy bởi các sếp công nghệ
Trực tiếp hướng dẫn sinh viên FUNiX là các mentor - chuyên gia hàng đầu của các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam. Ngoài thành tích học tập trong quá khứ, họ còn có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề với nhiều kiến thức thực tế, cập nhật liên tục theo thị trường.
Trong đó, có thể kể tới như tiến sĩ Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Software. Vốn là học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, tốt nghiệp bằng Kỹ sư Công nghệ thông tin Đại học Bách Khoa Hà Nội. Gia nhập FPT năm 1993, anh Tiến được trao chức Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh FPT ngay sau một phát biểu gây “sốc”. Kể từ đó, anh Tiến kinh qua nhiều nhiệm vụ quản lý quan trọng tại FPT. Tự nhận mình là “một tài năng toàn diện”, anh có thể chơi cừ nhiều môn thể thao, làm MC rất hoạt ngôn, diễn kịch, đạo diễn.
Còn mentor Trần Nam Dũng được nhiều người ví von là "ông bầu" của nhiều thần đồng Toán học. Dưới bàn tay huấn luyện của thầy giáo này, nhiều học sinh đã đạt huy chương Toán, Tin quốc tế. Xuất thân là học sinh chuyên Toán, trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, năm 1983, mentor này giành giải Nhì Toán quốc tế tại Paris (Pháp), sang Nga du học và làm nghiên cứu sinh. Thời đó, ông Dũng là tiến sĩ Toán xuất sắc của Đại học Tổng hợp Lomonosov và được trao tặng nhiều bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục…
Ông Dũng sau đó đầu quân về trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM) từ năm 1997-2003.
Cũng là một trong những mentor xuất sắc, tiến sĩ Hoàng Giang có nhiều năm công tác trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Nga, Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài chuyên môn về lĩnh vực IT, ông còn nắm vững kiến thức lĩnh vực Cơ khí và Quang học tại. Tiến sĩ Hoàng Giang có nhiều đóng góp cho Tổng Công ty Viettel - nơi ông đang giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Sản phẩm ứng dụng.
Ông có bề dày kinh nghiệm trong các lĩnh vực như: quản lý phát triển sản phẩm, quản lý dự án, lập trình phần mềm, quản lý và đào tạo nhân viên… Một số dự án lớn ông từng tham gia gồm: dịch vụ giám sát và chống trộm xe máy; dịch vụ giám sát phương tiện vận tải; hệ thống tính cước và chăm sóc khách hàng; hệ thống chuyển mạng giữ số…
Ra trường nhanh, được hỗ trợ tìm việc
Chương trình học của trường gồm 8 chứng chỉ, sinh viên có thể bắt đầu học bất cứ chứng chỉ nào cần thiết. Học xong tới đâu trường cấp chứng chỉ tới đó.
Nếu lên kế hoạch học tập phù hợp, sinh viên có thể hoàn thành chương trình trong vòng 2 năm, làm Đồ án tốt nghiệp và được cấp bằng Kỹ sư công nghệ thông tin. Bằng này được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận, học viên có thể tiếp tục học lên cao học, thạc sĩ hoặc đi làm.
Học tại FUNiX, sinh viên sẽ được hỗ trợ việc làm tối đa. Ngay trong quá trình học, sinh viên sẽ được định hướng rõ ràng, Ban cố vấn nghề nghiệp của trường sẽ hướng dẫn mỗi sinh viên bổ sung các kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp. Ban cố vấn còn đứng ra làm cầu nối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu với sinh viên nhằm giới thiệu, hỗ trợ người học có được vị trí việc làm tốt nhất.
Trường đồng thời ký kết thỏa thuận với FPT Software - Công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam để cùng hợp tác xây dựng chương trình theo hệ cử nhân nhằm tạo nguồn nhân viên dự bị sau 3 học kỳ đầu tiên. Sau 3 học kỳ (dự kiến 12 tháng), sinh viên sẽ tham gia vào các dự án với tư cách thực tập sinh, nhận mức lương hỗ trợ tối thiểu tương đương mức học phí trung bình tháng của 5 học kỳ còn lại trong chương trình.
Trong khoảng thời gian tối đa 8 tháng tiếp theo (2 học kỳ), sinh viên vẫn có thể tiếp tục làm nhân viên dự bị vừa thực tập vừa học online để bổ sung kiến thức. Những ai có khả năng làm việc tốt sẽ được nhận làm nhân viên chính thức.
Ngọc Anh