Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Những ngày này, khi các trang báo lẫn dư luận đều nóng bỏng bởi quy định cấm dạy thêm học thêm tại TP HCM, bản thân là giáo viên Vật lý tại một trường THPT TP HCM, tôi cảm thấy vô cùng đau đớn và hổ thẹn. Đau đớn vì những lời miệt thị của nhiều người dành cho nghề nghiệp lương thiện trong xã hội, về sự đánh đồng, quy chụp cho tất cả.

Bên cạnh đó, tôi cũng vô cùng hổ thẹn cho những đồng nghiệp làm nghề, nhưng đã đánh mất tư chất của nhà giáo, khiến dư luận có cơ hội xôn xao, và làm ảnh hưởng đến danh dự nhiều nhà giáo chân chính khác, dù tôi xin khẳng định con số này là rất rất ít. Ít hệt như ta bảo rằng xã hội dạo gần đây nhiều cướp, nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng, người lương thiện vẫn luôn nhiều hơn cướp...

Và một lý do nữa, tôi cảm nhận được rằng, dường như người ta hình thành trong đầu là giáo viên thì phải nghèo, phải nghèo mới là một nhà giáo chân chính? Dù chúng tôi có mưu cầu làm giàu chân chính, làm giàu không dựa trên nước mắt của ai, cũng không được?

Về quy định cấm dạy thêm học thêm, có lẽ chưa bao giờ có một đề tài nào nhiều ý kiến trái chiều như vậy. Riêng tôi, tôi vô cùng tự hào vì đã và đang là giáo viên giảng dạy, có tham gia dạy thêm, nhưng tôi chưa làm gì hổ thẹn lương tâm. Trên lớp hết lòng, học sinh nào có mức tiếp thu kém hơn các bạn, cần được tham gia lớp nhiều hơn thì học bồi dưỡng thêm, hay những gia đình bố mẹ không đủ khả năng giúp con mình học tập thì có thể tham gia lớp.

Học sinh yếu kém có lớp lấy căn bản, học sinh giỏi có lớp nâng cao, các em đến lớp đều là tự nguyện. Tôi cũng có rất nhiều học sinh từ trường khác, lớp khác đến tham gia học, chẳng ai ép buộc các em, điều đó cho thấy ai có năng lực và phương pháp tốt thì có quyền sống bằng nghề, chẳng cần đến chiêu trò.

Về kinh tế, những em không có khả năng kinh tế, những em còn kém, thời gian trên lớp không đủ để tiếp thu kiến thức, đều được miễn học phí khi tham gia lớp của tôi - điều mà không trung tâm nào giải quyết cho các em. Cũng đã có những em muốn đi học thêm, nhưng nhận thấy có khả năng tự học, tôi đều khuyên tự học đúng phương pháp để tránh mất thời gian đến lớp, mất thêm tiền bạc. Đã có không ít em có học lực khá, dưới sự hướng dẫn của tôi, có thể tự học và đạt kết quả rất tốt cho cả năm học.

Về các lớp cuối cấp, xin các bạn hãy dám nhìn nhận thực tế rằng, với đặc trưng môn Vật lý 12, 2 tiết/tuần trên lớp tương đương 90 phút trong một tuần, xin cam đoan sẽ phải có đến 60-70% học sinh trung bình khá rớt tốt nghiệp với cấu trúc đề thi hiện nay, chứ đừng nói đến việc thúc đẩy học sinh còn yếu. Ít nhất riêng cho môn Lý, phải đến 6-8 tiết/tuần mới mong chúng tôi truyền tải hết cho học sinh kiến thức cơ bản nhất đủ để tham dự các kỳ thi.

Về mức lương, xin thưa “Lương kỹ sư 8-10 triệu làm sao mà sống”... Còn chúng tôi thì sao? Chúng tôi cũng là con người, cũng có gia đình, chúng tôi cần ăn no, cần trả được các hóa đơn, cần được nhìn con cái có cơm ăn áo mặc thì mới an yên làm việc... Có người hỏi rằng “nâng lương chưa chắc chấm dứt dạy thêm vì giáo viên tham lam”. Vâng, cũng đúng đấy, nhưng trước khi đặt ra câu hỏi đó, hãy trả lời cho chúng tôi rằng với đồng lương hiện tại, chúng tôi bản thân còn ăn không no thì làm sao làm việc?

Cuối cùng, các bạn có ai đặt câu hỏi, vì sao chúng ta từng trải qua thời “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm”, còn giờ đây điểm thi đầu vào Sư phạm các ngành Toán, Lý, Hóa, Anh lại cao, thu hút những sinh viên giỏi... Vì nói thẳng ra, đó là những ngành giúp người ta sống được bằng nghề, thậm chí làm giàu lương thiện bằng nghề nghiệp của mình. Nếu ta quay lại thời giáo viên là phải nghèo, nếu là bạn, bạn có mong con cái mình cống hiến và sống một cuộc sống dưới mức trung bình của xã hội? Liệu chúng ta lại quay về thời “bỏ qua Sư phạm” không có thầy giỏi, liệu có anh kỹ sư giỏi?

Đã từ lâu tôi không còn dám nói nghề giáo là cao quý, nhưng xin hãy thừa nhận rằng nghề giáo là nền tảng của các nghề, bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần có thầy cô dạy, nếu không có người thầy thì không có ông bác sĩ, ông kỹ sư, anh công nhân... Vì vậy, chưa bao giờ các nhà giáo lại đau đớn như bây giờ, chúng tôi có khát khao cống hiến cho nghề, có mong ước được sống đủ đầy bằng việc cầm phấn. Chúng tôi là cánh đồng hoa, và dù cánh đồng hoa có đẹp cách mấy cũng khó tránh khỏi sâu rầy, xin hãy mạnh tay diệt sâu rầy, chúng tôi - những bông hoa cũng đang ngày ngày bị sâu rầy đục khoét - hơn ai hết mong mỏi được diệt sâu rầy để thực sự được xem là hoa thơm, xin đừng diệt cả cánh đồng hoa...

Tuấn

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: