Đặng Quang Dương (THPT Đồng Quan, Phú Xuyên, Hà Nội) là thí thí sinh có điểm thi thuộc top 3 Đại học Dược và cao nhất cụm thi do Đại học Bách khoa chủ trì (Toán 9,75; Lý 9,6; Hóa 9,6 và Sinh 8,4). Với 28,95 điểm khối A và 27,75 khối B, Dương đỗ cùng lúc ngành Dược học của Đại học Dược Hà Nội và ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội.
Mấy hôm nay, hai mẹ con Dương lo tìm phòng trọ để chuẩn bị cho cậu nhập trường. Ảnh: Mai Anh. |
Nhà có 3 sào ruộng chỉ đủ ăn, cha bán than, mẹ gánh rau đi chợ bán nên từ nhỏ, Dương luôn nỗ lực để không thua kém bạn bè. Bước vào phổ thông trung học, Dương tự xác định sẽ thi vào khối ngành y dược. Mong muốn được mặc áo bluse trắng chữa bệnh cứu người, cậu chọn thi cả trường Y và Dược. Đến khi đậu cả hai trường rồi, cậu lại phân vân nghĩ đến gánh nặng chi phí, lo bố mẹ không nuôi nổi 6 năm học Y nên cuối cùng chọn Dược để rút ngắn thời gian học. "Y hay Dược cũng đều là cứu người", Dương chia sẻ.
Học đều các môn khối A và B nhưng Vật lý vẫn là niềm đam mê lớn nhất của Quang Dương. Cậu yêu thích môn học này cũng một phần từ sự động viên của cô giáo dạy Lý. "Hồi thi học sinh giỏi Vật lý cấp thành phố, mặc dù có nhiều bạn thành tích tốt hơn nhưng cô vẫn chọn em đi thi. Em biết cô đặt niềm tin rất nhiều nên năm đó em cố gắng hết sức, cuối cùng giành được giải nhất", Dương kể.
Đạt thành tích tốt nhưng nhiều khi Dương cũng không tránh được ham chơi của cậu học trò tuổi mới lớn. Có lần không làm bài tập về nhà môn Vật lý, Dương bị cô bắt chép phạt 40 lần, từ đó "chừa hẳn". Chàng trai đỗ đầu Đại học Dược có thời điểm từng không chuyên tâm học hành, để hổng kiến thức nghiêm trọng ở phần Hóa Vô cơ.
Dương thường gấp mô hình giấy để thư giãn mỗi khi học xong bài. Ảnh: Mai Anh. |
Dương khoe bốn cuốn sổ tay các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh như một bí quyết giúp tự học tốt. Cậu thường ghi chép các công thức và cách giải một số dạng bài tập vào đây. "Ba năm học qua đi, vở ghi chép sẽ rất nhiều, nhiều chi tiết không quan trọng nên viết sổ tay sẽ đúc kết được kiến thức cần nhất và coi như học lại một lần nữa", Dương vừa giở từng trang vừa kể. Thi xong, cậu đã tặng lại cuốn sổ tay Lý, Hóa cho một người em và cô giáo để lấy may cho các em lớp dưới.
Trước khi thi, tối nào Dương cũng luyện khoảng 3 đề rồi ngồi gấp mô hình giấy để thư giãn. Chàng trai 18 tuổi khá khéo tay nên góc học tập được trang trí bằng nhiều mô hình, hình vẽ ngộ nghĩnh. Cậu coi đó là cách để giảm căng thẳng, vừa tạo ra quà tặng cho bạn bè.
Ngồi cạnh con trai, bà Nguyễn Thị Ngoan, mẹ Dương cười nhớ lại: "Hồi đi học, trong lớp có việc gì liên quan tới vẽ là Dương lại xung phong. Sau cứ khi vẽ bích báo là các bạn trong lớp lại chỉ gọi Dương! Dương!". Chị gái Dương đang là giáo viên mầm non cũng rất hay cậy nhờ được đứa em trai khéo tay này.
Xe than nặng khoảng 400 viên, mang theo nỗi nhọc nhằn và cả hy vọng của người cha có con trai vào đại học. Ảnh: Mai Anh. |
Chuẩn bị cho con trai vào đại học, cả nhà Dương xác định sẽ vất vả hơn nhưng vẫn động viên nhau cùng cố gắng. Bà Ngoan tất tả tìm nhà trọ và kiếm phương tiện đi lại cho con. Còn ông Đặng Quang Minh, bố Dương chỉ cười, lặng lẽ xếp những viên than mới đóng từ trong kho lên xe ba gác, mặc thêm chiếc áo bảo hộ đi đưa than cho khách. Điểm đến hôm nay cách nhà khoảng 4 km, có hôm ông chở xe than nặng cồng kềnh đi hơn 15 km để giao hàng.
Mỗi chuyến than khoảng 400 viên giá gần một triệu, ông Minh lãi được gần 200.000 đồng. Tháng nào làm cật lực thì kiếm được gần 5 triệu. Nhưng công việc không phải đều, khi nào có khách gọi mới làm, khoảng 3 ngày một chuyến. Khi nào Dương không phải đi học thì lại lụi cụi giúp cha xếp than đi bán.
Nhắc đến con trai, vẻ tự hào không giấu được trên gương mặt sạm đen của người cha quen lao động: "Cứ đi làm than thế này thôi, chắc cũng lo đủ cho con trong mấy năm đại học".
Mai Anh