Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Sáng 5/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 tại Hà Nội. Lãnh đạo 63 tỉnh thành tham gia theo phương thức trực tuyến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp dự hội nghị.

Trong gần 4 tiếng không nghỉ giải lao, lãnh đạo Bộ Giáo dục đã điểm lại những gì được và chưa được ở năm học cũ, những việc cần làm trước năm học mới. Lãnh đạo các tỉnh, thành, chuyên gia lần lượt phát biểu, nói lên đề xuất cho giáo dục hiện nay.

viet-nam-chua-giau-da-gia-neu-khong-dot-pha-ve-giao-duc

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng không giải quyết được yếu kém của ngành giáo dục thì sẽ tiếp tục phải nghe bức xúc của xã hội.

Mở đầu, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nói rằng hội nghị hôm nay bàn đến những vấn đề lớn, làm rõ những hạn chế của ngành giáo dục. Ông đề nghị lãnh đạo, chuyên gia phát biểu ngắn gọn, đi vào trọng tâm, đóng góp ý kiến cụ thể cho ngành giáo dục để làm sao bằng giờ năm sau phải có tiến bộ rõ rệt. "Không thể năm nào cũng nêu chung chung, đề xuất không đến đầu đến đuôi rồi cứ dậm chân tại chỗ không phát triển. Chỉ khi làm rõ được nguyên nhân thì mới có biện pháp giải quyết, nếu không ngành giáo dục sẽ phải tiếp tục nghe những bức xúc của xã hội", ông nhấn mạnh.

Đầu tư công nghệ thông tin, tăng cường dạy tiếng Anh, Tin học

Là lãnh đạo tỉnh thành đầu tiên tham gia phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thủ đô hiện có hơn 2.600 trường học, trong nội thành thì vẫn quá tải còn ngoại thành chưa đến 20 cháu một lớp. Chất lượng giáo dục thủ đô còn nhiều tồn tại như học trái tuyến, dạy thêm, học thêm, chất lượng dạy và học ở các trường không đồng đều. Qua kiểm tra, hệ thống cấp nước sạch, nhà vệ sinh còn nhức nhối. Hà Nội sẽ tập trung sửa trong thời gian tới.

Người đứng đầu thành phố đưa ra 9 việc cần làm của giáo dục thủ đô trong năm học mới. Trong đó có đưa công nghệ thông tin vào giáo dục, đặc biệt là tiểu học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giảm tải nhiều công việc cho các trường, như vừa rồi Hà Nội áp dụng tuyển sinh trực tuyến mầm non và tiểu học, hơn 600.000 học sinh thủ đô được tuyển sinh qua mạng mà phụ huynh không phải đến trường đăng ký. Năm học tới, Hà Nội sẽ áp dụng hình thức quản lý học sinh bằng học bạ điện tử.

Ông cũng đề xuất Bộ Giáo dục cầng có một chương trình định hướng khi học sinh vào lớp 9 để các em có tư duy về học nghề hay lên tiếp đại học. Bởi lớp 9 là thời kỳ tâm sinh lý thay đổi, rất quan trọng với các em. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cần có định hướng đào tạo nghề phục vụ cho tương lai. Ví dụ trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có hàng chục khách sạn hạng sang được xây mới, nguồn nhân lực quản lý, phục vụ cho lĩnh vực này đang rất cần.

Ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường dạy ngoại ngữ, tin học trong năm học mới cũng là trăn trở của lãnh đạo các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Cần Thơ. Việc thực hiện những đề án này sẽ nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, có thể ứng dụng trong bậc giáo dục trung học và tập trung ở một số bộ môn quan trọng.

viet-nam-chua-giau-da-gia-neu-khong-dot-pha-ve-giao-duc-1

Hội nghị được kỳ vọng mang lại nguồn sinh khí mới cho ngành giáo dục trước thềm năm học mới.

Giao tự chủ thi THPT quốc gia cho các tỉnh thành

Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch UBND Cần Thơ hoan nghênh những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia. Ông cho biết trước đây mỗi năm tỉnh này tiếp nhận khoảng 120.000 thí sinh, phụ huynh nhưng hai năm qua kỳ thi đổi mới đã giảm tải nhiều cho thành phố. Ông kiến nghị Bộ Giáo dục nghiên cứu giao quyền chủ động cho các tỉnh, thành tổ chức thi THPT quốc gia và xét kết quả tốt nghiệp theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ; tham mưu cho Chính phủ về phân cấp rõ ràng hơn nữa trong quản lý, thực hiện tự chủ cho địa phương cũng như cho cơ sở giáo dục.

Chung ý kiến với ông Tâm, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng đề xuất giao kỳ thi THPT quốc gia về cho các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức, giảm tải bớt cho Bộ Giáo dục. "Hy vọng bộ mặt của ngành giáo dục sẽ đổi mới toàn diện theo hướng phát triển và xứng đáng với nhiệm vụ giáo dục là quốc sách hàng đầu", bà nói.

Trao quyền tự chủ cho các trường đại học

Tán thành cao với báo cáo của Bộ Giáo dục, TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị Bộ Giáo dục, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cho các trường tự chủ vay có lãi suất thấp, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn ODA. "Các trường tự chủ muốn vay chứ không muốn xin ngân sách", ông nói.

Chính phủ cho một số trường đại học thực hiện đề án thí điểm tự chủ đến năm 2017, nhiều trường đại học muốn cơ chế này kéo dài hoặc được chính thức hóa thành cơ chế tự chủ chứ không phải là thí điểm nữa. Ông Đạt kiến nghị Bộ sớm có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện nội dung tự chủ, không bó hẹp ở mặt tài chính mà còn tự chủ về năng lực tuyển sinh, bộ máy nhân sự, sớm công bố xếp hạng các trường tự chủ để có thêm sự đồng thuận từ xã hội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố hiện có 1 trường Đại học Thủ đô và 3 trường cao đẳng. Ông cũng đề xuất cơ chế tự chủ tài chính cho các trường này.

Học sinh nhiều nước châu Á không phải ra nước ngoài du học như Việt Nam

GS Nguyễn Văn Minh đề xuất các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục cần đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sư phạm, cơ sở hạ tầng của các trường hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã xây dựng được những ngôi trường tốt, đẳng cấp quốc tế cho người dân của mình. Việc tốt nghiệp các trường trong nước chẳng kém gì các trường danh tiếng ở châu Âu, Mỹ. Những người làm giáo dục của các nước trên đã tự đặt mình ở một tiêu chuẩn rất cao so với thế giới khi hoạch định chiến lược cho nền giáo dục."Bởi vậy, học sinh của họ không cần thiết phải tìm đường du học bằng mọi cách như học sinh Việt Nam", ông nói.

Theo GS Minh, đầu tư cho đại học bao gồm cả đầu tư cho ý tưởng sáng tạo, nền tảng và điều kiện, con người thực thi công việc đó, là các giảng viên, chuyên viên, người học. Muốn đổi mới giáo dục, đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên thì cần phải sớm có cơ sở vật chất và điều kiện thực hiện. Đó là giải đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, hệ thống thông tin thư viện. Hiện, các trường đại học sư phạm còn đang rất thiếu những cơ sở này. GS Minh đề nghị Bộ cho phép thí điểm xã hội hóa trong đầu tư để tăng nguồn vốn cho các công trình xây dựng hạ tầng tại các trường đại học, đặc biệt là trường sư phạm.

viet-nam-chua-giau-da-gia-neu-khong-dot-pha-ve-giao-duc-2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị, gửi gắm nhiều kỳ vọng chấn hưng giáo dục nước nhà.

Thay đổi khó toàn vẹn ngay được

Chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới, cần có những bước đi trung gian vững chắc chứ không thể thay đổi trọn vẹn cùng một lúc. Ví như trước khi đổi mới có tới 4 kỳ thi khiến cả xã hội bức xúc. Nhưng hiện nay chỉ còn một kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh thành.

Theo Phó thủ tướng, thời gian tới thay vì để các trường xin tự chủ thì sẽ yêu cầu các trường tự chủ. Thay vì cho thì sẽ có các gói tín dụng ưu đãi để các trường phát triển. Nhưng muốn tự chủ được thì cũng phải đảm bảo được những yêu cầu cơ bản nhất.

Đi khảo sát một loạt trường, ông thấy phòng hiệu trưởng điều kiện rất tốt, nhà vệ sinh sạch sẽ, nhưng nhà vệ sinh của các cháu thì bẩn kinh khủng. "Nếu coi học sinh là trung tâm của giáo dục thì những việc vì học sinh phải làm ngay", ông nói và cho rằng, cũng cần khôi phục lại tinh thần yêu lao động như trực nhật, dọn vệ sinh trường lớp để đảm bảo cho các em phát triển đồng đều thể chất, trí tuệ và tâm hồn.

"Chưa giàu đã già" nếu không có đột phá về giáo dục

Trước thềm năm học mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ gửi tới toàn ngành giáo dục, các thầy cô, học sinh, sinh viên lời thăm hỏi thân thiết nhất. "Tôi rất hoan nghênh những đổi mới lần này của Bộ Giáo dục, phải nhìn thẳng vào bất cập này mà sửa. Nhận thức đúng thì mới hành động được", Thủ tướng nói và khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu luôn được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Trong phần phát biểu dài hơn 30 phút, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận những thành tích nhưng cũng dành nhiều thời gian để nói đến hạn chế của ngành giáo dục. Như giáo dục phổ thông chưa coi trọng giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh khiến nạn bạo lực học đường gia tăng. Học sinh còn thiếu kỹ năng sống dẫn đến nhiều vụ đuối nước thương tâm. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn lẫn ứng dụng, giáo dục nghề nghiệp chưa ứng với nhu cầu khiến cho ra trường sinh viên không tìm được việc làm trong khi doanh nghiệp thiếu lao động tay nghề.

Trường đại học tăng nhanh nhưng chất lượng không theo kịp. Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tràn lan. Nhiều tiến sĩ nhưng thiếu những công trình khoa học có giá trị. Ông nhắc nhở "Riêng mặt này tôi đề nghị các đồng chí cần nghiêm túc chấn chỉnh".

Trước thềm năm học mới, người đứng đầu Chính phủ giao người đứng đầu ngành giáo dục cần làm sao để tìm cách chấn hưng nền giáo dục, bồi đắp nguyên khí quốc gia, đưa ra chủ trương cụ thể thực hiện có hiệu quả trên nền chủ trương chung.

Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, phải bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Gắn kết chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội. Khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, đặc biệt trong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và trong tạo việc làm. "Tôi hoan nghênh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với VCCI vào ngày mai để gắn kết giữa giáo dục và thị trường lao động. Đừng để tình trạng ngứa trên đầu lại gãi dưới chân", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, tiên học lễ, hậu học văn thời nào cũng có giá trị. Giáo dục phải làm sao cho học sinh yêu lịch sử, yêu đất nước, biết truyền thống của cha ông. "Nhiều người trẻ vẫn có câu Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì tra Google . Nhiều thanh niên hiện nay không biết tí gì về lịch sử", Thủ tướng nhấn mạnh và nói rằng Việt Nam rất có "nguy cơ chưa giàu đã già nếu không có những đột phá về giáo dục".

Kết thúc phần phát biểu, Thủ tướng mượn câu nói của danh nhân Nguyễn Trãi Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản để gửi gắm cho ngành giáo dục "Ngành cần chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để có thêm nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi", Thủ tướng nói và giao Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có đề án trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

Lắng nghe những đề xuất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mừng khi thấy các ý kiến đều đồng tình 9 giải pháp, 5 nhiệm vụ mà ngành giáo dục đã đề ra. Ông cho rằng làm tốt được những việc này rất khó nhưng không thể không làm và nếu hôm nay không làm thì sẽ không bao giờ làm được. Người đứng đầu ngành giáo dục hứa sẽ có một lộ trình sớm khắc phục được những hạn chế, yếu kém, chấn hưng nền giáo dục nước nhà. 

Hoàng Phương

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật

Đối tác: