Kim McCabe, người Mỹ từ quốc gia da đỏ Navajo, đam mê tiếng Pháp ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc. Cô gái Colorado này nói rằng khi đang học cấp hai, cô nhận thấy thế giới trở nên rộng lớn thế nào khi nói một ngôn ngữ khác và việc thành thạo tiếng Pháp trở thành mục tiêu dài hạn của cô.
“Tôi có thể giao tiếp với hàng triệu người trên thế giới, không chỉ ở Pháp”, cô nói. Hiện cô theo học bằng thạc sĩ tiếng Pháp tại Đại học Middlebury ở Vermont và sẽ dành một mùa hè trong chương trình học tại Trường tiếng Pháp thuộc Đại học ngôn ngữ Middlebury ở Vermont và một năm học tại trường Middlebury ở Pháp.
Có nhiều lý do để theo đuổi một bằng ngoại ngữ ở nước ngoài. Sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc - tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nga - được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Chúng cũng được sử dụng như là ngôn ngữ ngoại giao quốc tế và kinh doanh toàn cầu.
Dưới đây là một số lý do sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đã lựa chọn việc theo học bằng ngoại ngữ ở nước ngoài.
Học ngoại ngữ sẽ giúp sinh viên có lợi thế trong thị trường lao động. Ảnh: Internet |
1. Đắm mình trong môi trường văn hóa và ngôn ngữ khác
Tại các trường thuộc Đại học Middlebury, tất cả sinh viên được yêu cầu lập một lời thề ngôn ngữ, thề rằng sẽ chỉ nói bằng ngôn ngữ họ đang học trong toàn bộ chương trình.
Dalal Abo El Seoud, Chủ tịch khoa Giáo dục ngôn ngữ Ả Rập tại Đại học Mỹ ở Cairo, cũng khuyên sinh viên nên đắm mình trong môi trường ngôn ngữ. Điều này sẽ cho phép sinh viên học trong các tình huống thực tế bên cạnh học trong lớp và giúp họ sửa được những lỗi dùng ngôn ngữ khi nói chuyện với người bản xứ, ví dụ khi nói chuyện với nhân viên thu ngân tại các cửa hàng địa phương hay giải mã một thực đơn nhà hàng.
Niina Ollanketo, quốc tịch Phần Lan, cho biết du học tại Đại học Heriot Watt ở Edinburgh, Scotland, đã giúp cô giao tiếp tốt hơn, không chỉ bởi vì biết ngoại ngữ mà còn vì đã học được cách sử dụng nhiều từ để giúp cho bản thân hiểu và có thể giải thích mọi thứ từ các quan điểm khác nhau.
Theo Rosemary FEAL, Giám đốc điều hành Hiệp hội ngôn ngữ hiện đại Mỹ, các du học sinh theo học ngành ngôn ngữ có thể mở rộng kiến thức văn hóa, nhạy bén hơn về cách sử dụng ngôn ngữ trong bối cảnh và hiểu được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình một cách sâu sắc hơn.
2. Tài trợ, bao gồm học bổng
Sinh viên quốc tế có thể tìm học bổng và nguồn hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí học tập. Đối với Ollanketo, công dân Liên minh châu Âu, chính phủ Scotland đã chi trả học phí tại Đại học Heriot Watt cho cô. Hệ thống an sinh xã hội Phần Lan cũng cho cô một khoản trợ cấp sinh viên hàng tháng cho chi phí sinh hoạt.
Ollanketo, mới tốt nghiệp tháng 6 vừa qua với bằng cử nhân nhưng được coi là một bằng thạc sĩ danh dự về biên phiên dịch tiếng Pháp và Tây Ban Nha, nói: “Tôi đã cân nhắc nhiều trường đại học khác nhưng đã quyết định đến Scotland vì học ở đây được miễn phí”.
Ollanketo cho biết chương trình bốn năm cho phép cô học phiên dịch bằng ba ngoại ngữ. Nếu như ở Phần Lan, cô sẽ chỉ có thể học một ngoại ngữ, với một hoặc hai khóa học tự chọn về phiên dịch. Ollanketo muốn theo học một chương trình có nhiều cơ hội thực hành với nhiều ngôn ngữ.
McCabe từ Đại học Middlebury đã nhận được học bổng một phần từ trường và cho biết nếu không có khoản tiền này cô sẽ phải suy nghĩ lâu hơn và kỹ càng hơn về giá trị của khóa học.
Có rất nhiều học bổng toàn phần và một phần, ví dụ chính phủ Đan Mạch có “học bổng dài hạn” cho học sinh quốc tế đã tốt nghiệp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Israel, Ai Cập và Nga đang học tiếng Đan Mạch. Các sinh viên đang học cử nhân cũng có thể xin được học bổng nếu đã học tiếng Đan Mạch trong hai năm.
3. Cải thiện kỹ năng làm việc
Theo Nasser Isleem, giảng viên cao cấp tiếng Ả Rập tại Đại học New York Abu Dhabi ở các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, học ngoại ngữ khác sẽ giúp xây dựng sự tự tin và củng cố kỹ năng giao tiếp, do đó có thể cải thiện kỹ năng làm việc. Ông cho biết việc biết nhiều ngôn ngữ sẽ giúp bạn viết thêm một kỹ năng đang được săn lùng vào hồ sơ xin việc và tạo cho bạn một lợi thế trong thị trường việc làm.
Một số người học ngoại ngữ ở nước ngoài tìm thấy niềm đam mê mới có thể ảnh hưởng đến chuyên môn hay nghề nghiệp của họ, hoặc thậm chí chuyển đến sống ở nước khác và tiếp tục cuộc sống ở đó. Ông Isleem cho biết thêm rằng họ cũng có khả năng thích ứng với môi trường mới một cách nhanh chóng, điều này mang đến cho họ cơ hội tốt hơn để có được việc làm trong các môi trường và lĩnh vực khác nhau.
Sự thông thạo tiếng Tây Ban Nha và Pháp sẽ chắc chắn hỗ trợ Ollanketo khi cô theo đuổi nghề biên phiên dịch. Theo Đại học Heriot-Watt, 80% sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng biên phiên dịch tiếng Pháp và Tây Ban Nha tìm được việc, trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục đến dịch vụ truyền thông và công cộng, trong vòng 6 tháng.
Trong khi đó, thị trường việc làm cho các cá nhân có trình độ ngoại ngữ ở Mỹ được đánh giá là hứa hẹn. Các dự án của Cục Thống kê Lao động Mỹ cần tuyển dụng biên phiên dịch sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của tất cả ngành nghề khác - dự báo tăng 29% trong 2014-2024 - do sự toàn toàn cầu hóa và gia tăng số lượng người không nói tiếng Anh tại Mỹ.
Mặc dù thị trường việc làm ở Mỹ đầy hứa hẹn, McCabe có kế hoạch sống ở Pháp trong một vài năm sau khi tốt nghiệp Đại học Middlebury. Cô hy vọng sẽ làm việc trong ngành giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực du học và trao đổi sinh viên. McCabe nói: “Điều tôi thích là việc học ngoại ngữ đã giúp mở mang thế giới của tôi. Paris, theo một khía cạnh nào đó, đã viết nên câu chuyện của riêng mình và tôi đang háo hức để biến nó trở thành một phần trong câu chuyện của tôi”.
Quỳnh Linh (theo US. News)